Bài toán CĐS trong quy hoạch tỉnh, thành phố dưới góc nhìn chuyên gia
Những khó khăn của địa phương khi triển khai quy hoạch với tầm nhìn dài hạn
Chương trình DxTalks do công ty tư vấn CĐS FPT Digital thực hiện và phát sóng ngày 29/12/2022. Bàn về vấn đề CĐS trong quy hoạch tỉnh, ông Nguyễn Quốc Trường, Trưởng ban Chiến lược phát triển các ngành dịch vụ, Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng xây dựng quy hoạch chính là một cơ hội để các địa phương đánh giá xem địa phương đang ở đâu, sẽ có những cơ hội và thách thức gì trong khoảng 10 năm tới và xa hơn là tầm nhìn đến năm 2050. Điều này đòi hỏi các địa phương phải xác định được các mục tiêu về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và rất nhiều những nội dung khác trong một tầm nhìn dài hạn.
Tuy nhiên, việc xây dựng quy hoạch và thực hiện chiến lược, đặc biệt trong một tầm nhìn dài hạn, sẽ gặp một số khó khăn nhất định. Nhận thức của các cấp lãnh đạo, các sở ngành, và người dân, DN vẫn còn những hạn chế. Các báo cáo, đánh giá hay kế hoạch định hướng CĐS, phát triển kinh tế số vẫn mới ở mức độ cơ bản.
Ông Trường cho rằng các mục tiêu CĐS cần được lượng hóa rõ ràng, đưa ra các tiêu chí để đánh giá. Đây là một việc làm không dễ. “Ví dụ, chúng ta thường nói đến công dân số, văn hóa số. Nhưng đó là những thứ rất trừu tượng. Tôi nghĩ, trong tương lai cần phải có những tiêu chí để định lượng rõ ràng về những khái niệm này, thì việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch mới có thể thuận lợi”, chuyên gia của Viện chiến lược và phát triển cho biết.
Ngoài ra, nội dung CĐS trong quy hoạch tỉnh không chỉ nằm trong phần hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, mà phải được đưa vào rất nhiều nội dung khác, như trong mục tiêu phát triển chung của tỉnh, hay trong mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong phát triển chính quyền số. CĐS cũng phải được đưa vào các lĩnh vực như sản xuất, dịch vụ, thương mại….
“Chúng ta không thể kỳ vọng chiến lược quy hoạch có thể giúp địa phương giải quyết tất cả các vấn đề, không thể chỉ dẫn cho DN, người dân hay chính quyền địa phương đọc bản quy hoạch và có thể làm ngay CĐS. Ngược lại, quy hoạch tỉnh, hay kế hoạch CĐS quốc gia sẽ giúp tạo ra định hướng chung, mang tính chiến lược”, ông Trường nói.
Địa phương cần kiểm soát và làm chủ công nghệ
Chính vì thế, sau khi chiến lược quy hoạch địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các cấp chính quyền cùng với các sở, ngành phải có những chương trình hành động, các đề án, kế hoạch để cụ thể hóa các định hướng chiến lược ở địa phương mình, phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Ví dụ, như đối với tỉnh Lạng Sơn, kinh tế cửa khẩu là một trụ cột rất quan trọng, vì vậy ưu tiên trước hết sẽ là số hóa cửa khẩu.
Các cấp lãnh đạo sẽ phải lên kế hoạch cụ thể để CĐS cửa khẩu, như lắp bao nhiêu camera, quản lý lượng xe đi qua cửa khẩu như thế nào…. Với các tỉnh khác cũng tương tự, nghĩa là kế hoạch cụ thể sẽ phụ thuộc vào những vấn đề ưu tiên của địa phương.
Với góc độ là một công ty tư vấn CĐS, ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc tư vấn CĐS công ty FPT Digital, cho rằng các địa phương cần chủ động kiểm soát và làm chủ công nghệ, liên quan đến 3 hạng mục là hạ tầng số, nền tảng số, và an toàn an ninh mạng.
Đối với hạ tầng số, địa phương cần đưa vào quy hoạch chung về nâng cấp, thay thế, bổ sung hạ tầng CNTT để đảm bảo quản trị vận hành hiệu quả và đáp ứng nhu cầu về CĐS chung của tỉnh. Về nền tảng số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành hơn 20 nền tảng số quốc gia, địa phương cần cập nhật thông tin liên tục, chuẩn bị năng lực sẵn sàng triển khai, áp dụng, vận hành trên các nền tảng số này nhằm tận dụng nguồn lực chung để tăng tốc CĐS.
Ngoài ra, an toàn an ninh mạng luôn là vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển. Chính quyền và người dân đều cần có nhận thức, biện pháp tăng cường năng lực để đảm bảo an toàn an ninh mạng. Chính quyền cần phát triển năng lực quản trị không gian mạng và tất cả không gian số nói chung. Các cơ quan cũng cần hướng dẫn, phổ biến về các vấn đề an toàn bảo mật thông tin để người dân làm quen và hành xử đúng đắn, đảm bảo an toàn an ninh mạng tổng thể của cả tỉnh.
Phối hợp nhiều bên để thu hút nhà đầu tư, đối tác phù hợp
Có mặt tại chương trình DxTalks, bà Patti Wang, Phó Giám đốc Hợp danh của công ty tư vấn McKinsey, cho rằng “cái hay của việc có một kế hoạch tổng thể là bạn biết mục tiêu là gì, bạn biết lĩnh vực nào nên được ưu tiên và điều gì làm cho mỗi tỉnh trở nên độc đáo”. Tuy vậy, nếu chỉ nghĩ đến quy hoạch tổng thể thì quy hoạch sẽ mãi chỉ là quy hoạch khi không hiện thực hóa hoặc không tìm được nhà đầu tư, đối tác phù hợp để thực hiện.
Bà Patti Wang cũng như McKinsey đã tham gia vào nhiều dự án quy hoạch ở Việt Nam. “Từ các tỉnh mà chúng tôi đang làm việc, chúng tôi đều nhận thấy những mục tiêu phát triển rất tham vọng, và việc tìm kiếm các nhà đầu tư phù hợp ngày càng trở nên khó khăn hơn và ngày càng cạnh tranh hơn”, bà Patti nói.
Theo chuyên gia của McKinsey, để thu hút các nhà đầu tư thành công phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố, vừa là cấp tỉnh đưa ra biện pháp phù hợp, vừa là quốc gia phối hợp và có quan điểm tốt, phù hợp với nhà đầu tư.
Cụ thể, theo bà Patti, để thu hút đầu tư, các ưu đãi về thuế là không đủ, mà phải đi kèm với toàn bộ những câu chuyện về chính sách, môi trường, hệ thống nguồn lực cũng như không chỉ thu hút đầu tư đến từ nước ngoài mà thu hút ngay cả những DN nội địa, để giúp các tỉnh tận dụng được sức mạnh của mình./.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Đang truy cập40
- Hôm nay3,600
- Tháng hiện tại112,667
- Tháng trước176,560
- Tổng lượt truy cập1,687,952