Triển khai mô hình mới, cách làm hay để cải cách TTHC
Xây dựng chính quyền đồng hành cùng DN, phục vụ nhân dân với sự đồng hành của Bưu điện
Tại hội nghị mới đây của Bộ TT&TT, bà Nguyễn Lâm Thanh Thuỷ, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đồng Tháp, cho biết tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là triển khai các mô hình mới, cách làm hay nhằm mang lại sự hài lòng cao nhất đối với người dân, DN. Trong quá trình này, tỉnh nhận được sự đồng hành và hỗ trợ có hiệu quả từ hệ thống bưu chính.
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Đồng Tháp, bên cạnh sự quan tâm của chính quyền, cần phải có sự cần hỗ trợ và bổ sung các nguồn lực cần thiết từ bên ngoài. Mặt khác, chúng ta đang chuyển từ nền hành chính còn mang nặng tính quản lý sang nền hành chính phục vụ xem người dân, tổ chức là khách hàng. Do đó, nếu kết nối với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN), một DN có bề dày truyền thống, thì sẽ tạo được sự cộng hưởng để mang đến thành công chung theo đúng xu hướng cải cách của một nền hành chính phục vụ.
Ngày 7/2018, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh. Đề án tập trung vào việc bưu điện tỉnh tham gia hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện và xã.
Các lĩnh vực, TTHC chuyển giao cho bưu điện được lựa chọn dựa trên tiêu chí từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp theo lộ trình phù hợp với năng lực của nhân viên bưu điện.
Nội dung chuyển giao trong giai đoạn thí điểm được xác định chủ yếu trên các nhiệm vụ: về bố trí nhân sự: Nhân viên bưu điện tham gia hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa (BPMC) các cấp; về trụ sở BPMC các cấp: ưu tiên bố trí BPMC tại trụ sở của bưu điện, đáp ứng tiêu chí có vị trí giao thông thuận tiện, dễ tìm kiếm, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân, DN đến thực hiện TTHC; về kinh phí: bưu điện tỉnh cải tạo sửa chữa trụ sở, đầu tư trang thiết bị, bố trí nhân công. Tỉnh hỗ trợ chi phí thuê trụ sở, nhân công và thuê thiết bị.
Kết quả đạt được là tỷ lệ TTHC có phát sinh hồ sơ tiếp nhận/trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) tăng từ 2,93% (năm 2018) lên khoảng hơn 22% (năm 2022). Tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 so với tổng số hồ sơ tiếp nhận tăng từ 0,2% (năm 2018) tăng lên 26% (năm 2022).
"Thực hiện Đề án đã mang lại nhiều tiện ích cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện TTHC và được người dân, DN, cơ quan nhà nước đồng tình ủng hộ", Phó Giám đốc Nguyễn Lâm Thanh Thuỷ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hầu hết BPMC đều có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn so với trước khi thực hiện đề án. Các cơ quan, đơn vị, địa phương giảm chi đầu tư cơ sở vật chất, chi tiêu thường xuyên và giảm tải khối lượng công việc tại BPMC và các đơn vị chuyên môn, giảm số lượng công chức thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Ý thức thái độ phục vụ của công chức, viên chức và nhân viên bưu điện với tổ chức, công dân ngày càng được nâng cao.
Tổ chức, công dân được phục vụ tốt hơn khi đến liên hệ giải quyết TTHC, tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức thực hiện TTHC thông qua việc sử dụng dịch vụ BCCI và được hỗ trợ thực hiện DVCTT mức độ 3, 4.
Đề án góp phần tích cực trong việc triển khai hiệu quả các mô hình khác như: Mô hình kết hợp DVCTT gắn với BCCI; Mô hình công dân không viết gắn với DVCTT… tăng tỷ lệ hồ sơ thực hiện DVCTT mức độ 3, 4; tăng tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI.
Từ kết quả đạt được, tỉnh Đồng Tháp đã quyết định chính thức chuyển giao cho bưu điện tỉnh, đảm nhận việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh từ ngày 20/10/2022.
Theo Phó Giám đốc Nguyễn Lâm Thanh Thuỷ, sự đồng hành của hệ thống bưu chính địa phương đã góp phần giúp tỉnh triển khai hiệu quả công tác cải cách TTHC, định hình một phương thức làm việc mới theo hướng văn minh, hiện đại và tạo điều kiện thuận lợi nhiều nhất và mang lại sự hài lòng cao nhất cho cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện các TTHC. Đồng thời cũng góp phần giúp Đồng Tháp duy trì và nâng cao thứ hạng các chỉ số: năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), cải cách hành chính (PAR) trong những năm qua.
"Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có thể khẳng định hệ thống bưu chính đã là cánh tay nối dài, là bộ mặt và là một phần của cơ quan hành chính nhà nước", Phó Giám đốc Sở TT&TT Đồng Tháp nhấn mạnh.
Ưu tiên nguồn lực tốt nhất
Theo Vụ Bưu chính - Bộ TT&TT, việc triển khai nội dung giao DN cung ứng dịch vụ BCCI đảm nhận một số công việc theo Quyết định số 468/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC đã có 06/63 tỉnh, thành phố ban hành Đề án sau khi có văn bản số 1786 của Bộ TT&TT gồm các tỉnh: Quảng Nam, Hà Giang, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Yên Bái, và Hà Nam; 40 tỉnh, TP triển khai việc bố trí nhân viên bưu điện thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC thay cho cán bộ, công chức tại BPMC; bố trí trụ sở của BPMC tại bưu điện và đầu tư các trang thiết bị cho BPMC; luân chuyển hồ sơ, kết quả giữa BPMC các cấp.
Về triển khai cung ứng dịch vụ BCCI đảm nhận một số công việc theo Quyết định số 468/QĐ-TTg, ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN cho biết BĐVN coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thực hiện khai thác tốt mảng BCCI đã được Nhà nước đầu tư. "BĐVN cam kết về cơ sở hạ tầng cho việc triển khai, ưu tiên nguồn lực tốt nhất với các điều kiện trang thiết bị đồng bộ, đặc biệt là công tác đào tạo đội ngũ".
Thực tế, Tổng công ty BĐVN đã triển khai một chương trình đồng bộ bên trong nội bộ Tổng công ty từ việc thành lập các nhóm, tổ do lãnh đạo đơn vị trực tiếp phụ trách để phân công, phân việc cho các nhóm và phối hợp tốt với địa phương theo chỉ đạo của Bộ TT&TT.
Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc BĐVN cho biết thực tế các địa phương không triển khai đồng loạt nên các nhóm đầu tư, triển khai, đào tạo, huấn luyện là theo kế hoạch của từng địa phương. Địa phương nào đã lên kế hoạch triển khai, BĐVN hỗ trợ nguồn lực do bưu điện tỉnh hỗ trợ đào tạo, chứ không đào tạo đồng loạt trên toàn mạng lưới theo một chu trình chung.
Về một số băn khoăn là thủ tục có sự thay đổi liên tục, một nhân viên làm sao có thể nắm tất cả TTHC để trả lời cho người dân, DN, Phó Tổng Giám đốc BĐVN cho biết việc này trong bất cứ tổ chức, DN nào cũng gặp phải, đơn cử như tổng đài chăm sóc khách hàng (CSKH) luôn phải cập nhập mọi quy trình, thủ tục nghiệp vụ của DN. Bưu điện là cánh tay nối dài của các cơ quan nhà nước tại địa phương nên khi tham gia hướng dẫn người dân và trả lời, buộc phải có CSDL về TTHC của các sở, ban ngành và được cập nhật liên tục.
Cũng theo ông Lê Quốc Anh, BĐVN cũng có nhiệm vụ huấn luyện nhân viên có khả năng truy cập nhanh chóng tất cả các thủ tục và kết nối, cập nhật các thủ tục đó với các Sở, ban ngành địa phương; có kỹ năng cập nhật các nội dung điều chỉnh sửa đổi của các thủ tục; các kỹ năng giao tiếp, tương tác với người dân không chỉ ở kênh người dân đến trực tiếp BPMC mà còn qua các điểm chạm khác như kênh CSKH, trang web và tương tác khác./.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Đang truy cập56
- Hôm nay5,832
- Tháng hiện tại114,899
- Tháng trước176,560
- Tổng lượt truy cập1,690,184