Dành 15 - 17% lợi nhuận sau thuế để ĐMST và phát triển khoa học, công nghệ
Theo Báo cáo Hệ sinh thái ĐMST mở 2022, Rạng Đông là một trong những câu chuyện thành công điển hình về ĐMST mở trong DN. Theo đó, các sản phẩm của Rạng Đông đã đi qua 4 tầng công nghệ: Tầng đầu tiên là sản xuất ra đèn nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng dựa trên định luật Jun - Lenxo để đốt nóng; Tầng thứ 2 là đèn phóng điện trong khí kém như đèn huỳnh quang, đèn công tắc; Tầng thứ 3 là đèn LED; Tầng thứ 4 là đèn LED thông minh. Mỗi khi đến cuối của một tầng công nghệ thì doanh thu sẽ có dấu hiệu suy giảm. Vì thế, ngay từ khi tầng công nghệ trước còn đang ở đỉnh cao, doanh thu tốt, Rạng Đông đã nghĩ ngay đến tầng tiếp theo.
Chưa kể đến, hành vi khách hàng hiện nay biến thiên liên tục, yếu tố cạnh tranh đến từ startup, đối thủ ngoài ngành hay từ nước ngoài. Hiện nay, điện năng dành cho chiếu sáng ở Việt Nam đang chiếm khoảng 35% tổng năng lượng điện cung ứng cho toàn quốc, trong khi trên thế giới con số này chỉ rơi vào khoảng 15 - 17%. Vì vậy, việc tìm kiếm giải pháp tiết kiệm điện cho chiếu sáng, bảo vệ môi trường là việc cấp bách hơn bao giờ hết.
Để làm được điều này, Rạng Đông đã dành tới 15 - 17% lợi nhuận sau thuế để đầu tư cho Quỹ ĐMST hay Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ, cũng như có đến 3 trung tâm ĐMST - nơi hội tụ các vị tri thức, nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ… từ các viện, trường cũng như các chuyên gia công nghệ từ các tập đoàn nước ngoài, bao gồm: Trung tâm chuyên nghiên cứu về công nghệ ánh sáng; Trung tâm nghiên cứu về công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, IoT, AI…; Trung tâm chuyên nghiên cứu và phát triển các nền tảng bao gồm công nghệ và kinh doanh.
Các trung tâm này đóng vai trò thu nhận, chuyển hoá, tích hợp những kiến thức tiên tiến thành các nguồn tri thức mới, ứng dụng vào hệ sinh thái của Rạng Đông. Công ty cũng đã đầu tư cho sinh viên - một thế hệ tri thức trẻ, giỏi và giàu đam mê cho startup. Nguồn lực đầu tư cho sinh viên chiếm 1/3 quỹ ĐMST.
Một nguồn lực khác của Rạng Đông đến từ phong trào lao động sáng tạo của người lao động (NLĐ) thông qua các sự kiện Rạng Đông Techday hàng năm. Trong gần 3 năm gần đây, Rạng Đông Techday thu thập được gần 4.000 ý kiến ĐMST.
Cũng theo báo cáo, mô hình của Rạng Đông là tiếp thi tri thức nhưng quan trọng nhất là phải biến hoá, phù hợp nó với nguồn lực, trình độ và năng lực của chính mình. Không cần thiết phải bỏ vài triệu USD để mua những giải pháp tiên tiến trên thế giới - giải pháp đã được tiến hoá, thực nghiệm tại thị trường các nước phát triển, trong khi mô hình, cấu trúc, đặc điểm của mình không thể ứng dụng và tận dụng triệt để giải pháp tại Việt Nam. Đây có thể coi là một trong số những hệ luỵ của CĐS hiện nay khi thực thi ĐMST, mà đã được Rạng Đông rút kinh nghiệm khi triển khai.
Một điểm khác biệt trong ĐMST tại Rạng Đông, đó là từ cơ sở văn hoá truyền thống, Rạng Đông đã xây dựng được nền văn hoá số - tồn tại và phát triển trong nền kinh tế số. Chưa kể, quy trình ĐMST của Rạng Đông vừa là đổi mới và mặt công nghệ, vừa về quy trình và cơ cấu tổ chức. ĐMST của Rạng Đông không chỉ nằm trong phần công nghệ, mà là cả nỗ lực đổi mới mô hình kinh doanh.
"ĐMST ở Rạng Đông là sự kết hợp nhuần nhuyễn của các lực lượng tinh hoa và các lực lượng quần chúng. Tỷ lệ các DN CĐS thành công còn thấp, nhất là với một DN truyền thống thì còn khó khăn hơn", Báo cáo ĐMST mở 2022 nhấn mạnh.
Nhờ đó, mặc dù COVID-19 đã tạo ra sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng, lạm phát và sức khoẻ của NLĐ. Nhưng chính trong điều kiện khó khăn và nhờ vào chiến lược CĐS hợp lý, Rạng Đông của 2 năm vừa qua đã tăng trưởng ở một mặt bằng mới. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, mức tăng trưởng đã đạt từ 15 - 20%, nhất là trong 9 tháng đầu năm 2022. Một tỷ lệ rất cao khi mà trong giai đoạn 2015 - 2022, mức tăng trưởng chỉ đạt từ 8 - 19%.
"Không thể cứ mãi đi theo lý thuyết cạnh tranh truyền thống và giữ mình tách biệt. Ngày nay, mỗi đơn vị chỉ có một lợi thế trong giai đoạn nhất định, không lợi thế nào trường tồn mãi mãi, nên cần phải đổi mới, mở cửa, hợp tác sáng tạo cùng nhiều luồn tri thức khác. Do đó, Rạng Đông đã buộc phải ĐMST để hoàn thành sứ mệnh trở thành DN tiên phong trong việc cung cấp hệ thống và giải pháp chiếu sáng đồng bộ, góp phần kiến tạo ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh, nông nghiệp công nghệ cao", Báo cáo nhận định.
Dự kiến đạt tăng trưởng trên 15% nhờ CĐS và ĐMST
Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban chỉ đạo CĐS Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết, quá trình ĐMST ở Rạng Đông là sự kết hợp của 2 nguồn lực: Lực lượng tinh hoa từ bên ngoài và tầng lớp lao động ngay trong nội bộ công ty như công nhân hay kỹ sư làm việc trên dây chuyền, nhà máy với phương châm "nội lực là cơ bản và quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Trong lịch sử hơn 60 năm hình thành và phát triển, thì 35 năm trở lại đây, ĐMST là nhu cầu tất yếu. Rạng Đông dự kiến sẽ đạt mặt bằng tăng trưởng mới (trên 15%) nhờ vào công cuộc CĐS và ĐMST.
Ngoài ra, CĐS cũng chính là đòn bẩy tạo cho Rạng Đông mô hình "bánh đà tăng trưởng" mới. Với hành trình chuyển mình cùng công nghệ từ năm 2019, Rạng Đông xác định mục tiêu "trở thành công ty công nghệ cao" với chiến lược "đưa CĐS đi vào cốt lõi". Theo đó, Rạng Đông đã sử dụng tập trung các công nghệ trong hai trụ cột cốt lõi là: Tái cấu trúc chiến lược sản phẩm - hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ 4.0; Chuyển đổi mô hình kinh doanh, triển khai mô hình từ trực tuyến đến trực tiếp (DBM - O2O).
Trong quá trình đó, FPT đồng hành cùng Rạng Đông nghiên cứu, phát triển các thành phần lõi của hệ thống IoT, hệ thống điện toán đám mây, các phần mềm điều khiển thiết bị, cũng như các ứng dụng di động. Bên cạnh đó, các hệ thống bán hàng đa kênh được Rạng Đông phối hợp cùng FPT xây dựng giúp tối ưu hoá toàn diện kênh bán hàng.
Ông Kết khẳng định: "Hiện tại, Rạng Đông có thể quản lý nền sản xuất thông minh, trở thành một doanh nghiệp thực số, tăng năng suất lao động, nâng cao trình độ tự động hóa, nâng cao năng lực điều hành theo thời gian thực, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm mới ra thị trường".
Bên cạnh đó, lãnh đạo Rạng Đông cũng cho rằng CĐS phải gắn liền với ĐMST, với công tác R&D, năng lực thiết kế dây chuyền, công nghệ mới. Thực tế, công ty có thể tự thiết kế dây chuyền cho sản phẩm của mình.
Khi được hỏi "đâu là nét đặc sắc trong CĐS ở Rạng Đông để đảm bảo thành công, ông Kết cho rằng đầu tiên đến từ tầm nhìn, bản lĩnh của người đứng đầu. Ông Kết lý giải CĐS không có lộ trình minh bạch, không có mẫu số chung cho tất cả đơn vị, đôi khi lãnh đạo phải chấp nhận những rủi ro chính trị.
Tiếp đó là năng lực của DN, có nguồn lực nhân lực, công nghệ phù hợp để CĐS. Thứ ba là quá trình thực hiện. Ông Kết cho rằng dù có chiến lược định hướng đúng đắn thì quá trình tổ chức triển khai vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thành công của CĐS. Quá trình này phải được thực hiện căn cơ, bài bàn, phải làm thật, tạo ra niềm tin của quần chúng, phải có đột phá về tổ chức.
Thành công trong CĐS ở Rạng Đông, theo ông Kết, còn đến từ việc DN liên tục tái tạo năng lực số bằng hệ thống trí thức mở, hướng tới sự phát triển bền vững, với những con người của thời kỳ số.
Khi được hỏi đâu sẽ là động lực giúp Rạng Đông tăng trưởng trong tương lai, ông Kết cho biết một sản phẩm hôm nay là mới nhưng ngày mai là cũ, vì thế CĐS phải luôn ứng dụng thành tựu của cách mạng 4.0, hay nói cách khác là phải luôn sáng tạo.
"ĐMST và thay đổi công nghệ vận hành ở Rạng Đông, cốt lõi của chúng tôi là ERP. Việc kết nối các nền tảng có sự tham gia của FPT vào việc xây dựng IoT, Trung tâm dữ liệu. Dữ liệu và kết nối là động lực để phát triển trong tương lai. Mục tiêu đến 2025 chúng tôi trở thành DN dẫn dắt thị trường ngành chiếu sáng, năm 2030 trở thành đơn vị tầm cỡ châu lục và quốc tế", ông Kết nói./.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn