Dự Chương trình tại điểm cầu Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; các đồng chí thành viên Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số; đại diện lãnh đạo, các bộ, ban, ngành…
Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, dự Chương trình có đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh công tác tại các sở, ban, ngành tỉnh; thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị… Chương trình được kết nối đến các huyện, thành phố và các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Theo Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về Chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao nhận thức của người dân, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của Chuyển đổi số; thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của Chuyển đổi số.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia được bắt đầu thực hiện từ năm 2020. Năm 2024, Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi số đã lấy chủ đề là: “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 tập trung vào thúc đẩy, sáng tạo, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số; đẩy mạnh Chuyển đổi số quốc gia theo hướng hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với các mục tiêu Chuyển đổi số quan trọng góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ.
Trên cả nước, các bộ, ngành, địa phương đã phát động, tổ chức các cuộc thi, hội thi, phong trào thi đua, hoạt động cộng đồng tìm hiểu về Chuyển đổi số để nâng cao nhận thức của người dân về Chuyển đổi số; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực, địa phương.
“Tháng 10. Tháng tiêu dùng số” là hoạt động thường niên bắt đầu từ năm 2022 nằm trong chuỗi hoạt động của Tháng hành động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10.10 hàng năm. Đây là hoạt động hướng tới lợi ích của người dân. Người dân được thụ hưởng những kết quả thiết thực mà Chuyển đổi số mang lại.
Tháng tiêu dùng số năm 2024 sẽ tập trung vào các lĩnh vực trụ cột của kinh tế số năm 2024, tạo ra giá trị phục vụ nhu cầu xã hội để người dân được thụ hưởng những chính sách ưu đãi khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số. Thời gian diễn ra từ ngày 01/10 - 31/10/2024, cao điểm trong 10 ngày từ ngày 01/10 đến hết ngày 10/10/2024.
Thảo luận tại Chương trình, các đại biểu tập trung vào các nội dung: Tổ công nghệ số cộng đồng giúp người dân đồng bào dân tộc miền núi phát triển kinh tế số trong hoạt động du lịch cộng đồng; đóng góp của Tổ công nghệ số cộng đồng cơ sở trong thực hiện Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; Tổ công nghệ số cộng đồng chung tay thực hiện nhiệm vụ Chuyển đổi số giúp địa phương đạt được các tiêu chí Chuyển đổi số cấp huyện; cách làm triển khai công nghệ số cho người dân...
Phát biểu kết luận Chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, không để ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chính phủ mong muốn cả hệ thống chính trị chung tay chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, công dân số và hình thành các doanh nghiệp số mạnh.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có những chiến lược trọng tâm triển khai thần tốc, tư duy đổi mới; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong thực hiện chuyển đổi số; nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống thành ngành công nghệ số; hình thành các khu công nghiệp công nghệ số quy mô lớn; phát triển nông nghiệp số; phát triển nông thôn mới gắn phát triển làng, xã công nghệ số; hình thành hệ sinh thái số trong chuỗi giá trị thương mại… Đồng thời, đẩy mạnh tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong thực hiện công tác chuyển đổi số…
Tác giả: Tác giả: Kim Anh
Nguồn tin: laichau.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn