Xây dựng xã hội số là con đường nhanh nhất phát triển vùng sâu, vùng xa

Thứ bảy - 03/12/2022 23:53

Xây dựng xã hội số là con đường nhanh nhất phát triển vùng sâu, vùng xa

Để vùng sâu, vùng xa phát triển, công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp (DN), hộ dân chuyển đổi nền kinh tế, tham gia nền kinh tế số, từ đó giảm bớt tác động đói nghèo, thiếu kết nối, thúc đẩy và tăng trưởng kinh tế dài hạn.

"Vùng sâu, vùng xa" được xác định là vùng dân cư thưa thớt, nằm sâu trong rừng núi hoặc vùng ngập nước, ở xa các trung tâm kinh tế, văn hóa, giao thông không thuận tiện, đi lại khó khăn, kinh tế thường lạc hậu, kém phát triển theo Nghị định số 114/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại Việt Nam, vùng sâu, vùng xa tập trung ở 4 vùng chính là: vùng núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng biên giới, hải đảo xa xôi.

Đặc điểm chung của các vùng này thường là địa lý xa cách, biệt lập, giao thông không thuận tiện, đi lại khó khăn, hạ tầng kém phát triển, dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển, thu nhập thấp, chất lượng cuộc sống cũng thấp so với những nơi khác và đa số là những nơi có nhiều đồng bào thiểu số sinh sống. Nếu xét về 10 chỉ số phản ánh mức độ dịch vụ cơ bản thì ở vùng sâu, vùng xa tất cả các chỉ số đều thiếu hụt và đó cũng là hiện trạng chung.

Để thúc đẩy phát triển vùng sâu, vùng xa, chính phủ cũng đã nỗ lực rất cao, có những chiến lược phát triển với những mục tiêu rõ ràng và cũng đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể đến năm 2019, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm miễn phí; đặc biệt là nỗ lực phủ sóng 3G, 4G toàn quốc.

Ngoài ra, một trong những chủ trương của Chính phủ rất được ủng hộ đó là Việt Nam đặt mục tiêu 80% dân số trưởng thành (từ 18 tuổi) dùng điện thoại thông minh năm 2025 và 95% năm 2030 bất kể là ở vùng sâu hay vùng xa. Đây là một trong những yếu tố có thể sẽ làm thay đổi, tác động đến người dân nhiều nhất khi người dân có thể truy cập Internet bằng điện thoại thông minh. Mục tiêu này được nêu rõ trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến 2030 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 31/3/2022.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thay đổi cách sống, cách làm việc của người dân

Thúc đẩy ứng dụng CNTT-TT được kỳ vọng là một trong các cách thức tiếp cận hiệu quả góp phần thu hẹp khoảng cách và chênh lệch giữa các khu vực để đạt được mục tiêu tăng trưởng bao trùm và bền vững.

Chia sẻ tại hội thảo chuyên đề "Những yếu tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng CNTT-TT trong một số ngành trọng điểm" tại Hội thảo APEC về "Thúc đẩy cơ hội kinh doanh thông qua CNTT-TT ở vùng sâu, vùng xa" được tổ chức mới đây tại Hà Nội, TS. Nguyễn Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Viện Kinh tế xanh Việt Nam, cho biết một trong những vấn đề khó khăn nhất của vùng sâu vùng xa là giao thông đi lại khó khăn. Để giải quyết vấn đề này một cách nhanh nhất, thu hẹp khoảng cách hiệu quả sớm nhất chỉ có một con đường là kết nối người dân vùng sâu, vùng xa với thế giới văn minh thông qua các nền tảng công nghệ số, thông qua CNTT-TT. Đây được coi là yếu tố thúc đẩy phát triển toàn diện của vùng sâu vùng xa, nhanh nhất so với tất cả các yếu tố khác.

Trên thực tế việc ứng dụng công nghệ có thể làm thay đổi cách sống, cách canh tác, làm việc, mua bán,… của người dân ở các khu vực này. Chẳng hạn như ở huyện Mường Khương (Lào Cai), đồng bào dân tộc đã biết livestream để giới thiệu các sản phẩm của họ như nông sản, đặc sản vùng miền và bán hàng qua mạng, hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng đã tăng lên rõ rệt.

Xây dựng xã hội số là con đường nhanh nhất phát triển vùng sâu, vùng xa - Ảnh 1.

Ở một số khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc đã biết livestream để giới thiệu các sản phẩm của họ như nông sản, đặc sản vùng miền và bán hàng qua mạng.

Điều này cho thấy một điều rất quan trọng là ở vùng sâu, vùng xa, người dân chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối Internet là cuộc sống có thể có những thay đổi nhất định. Cuộc sống thay đổi ở đây không chỉ là bán được hàng qua mạng, mà nó còn mang đến những cơ hội giới thiệu, quảng bá văn hóa, con người địa phương đến với cộng đồng.

Hay như ở vùng Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum đã biết ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) vào việc quản lý hợp tác xã trồng sâm; Phát triển bản làng người Thái ứng dụng công nghệ số để giới thiệu văn hóa bản làng đến với cộng đồng.

Xây dựng xã hội số là con đường nhanh nhất phát triển vùng sâu, vùng xa - Ảnh 2.

"Ứng dụng công nghệ mới, kết nối cộng đồng, chủ động tìm đầu ra là một trong những bí quyết có thể thay đổi cuộc sống của người dân ở những khu vực này", TS. Nguyễn Tuấn Hoa khẳng định.

Và trên thực tế, những kết quả ban đầu cho thấy CNTT-TT, công nghệ số hoàn toàn có thể thúc đẩy sự phát triển vùng sâu, vùng xa bắt đầu từ những việc nhỏ, đơn giản cho đến những vấn đề lớn.

Theo đó, TS Nguyễn Tuấn Hoa cũng đã chia sẻ một số hướng phát triển tiếp theo có thể giúp khu vực vùng sâu, vùng xa thay đổi. Cụ thể:

Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ: theo kinh nghiệm thực tế thì việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ là vấn đề cốt lõi trong việc cải thiện và phát triển kinh tế. Muốn thay đổi được vùng sâu, vùng xa thì cần tìm được đầu ra ổn định cho người dân, hướng dẫn cho họ trồng những loại cây mang lại hiệu quả nhưng tiết kiệm chi phí để có thể thay đổi cuộc sống.

Đồng thời, cần có giải pháp khuyến khích để người dân vùng sâu, vùng xa quan tâm, tập trung hơn vào sản xuất, sản xuất hữu cơ, sản xuất theo các quy trình hướng dẫn thông qua các công cụ số và nhờ công cụ số có thể kết nối nhanh chóng, thuận tiện giữa người sản xuất và nhà tiêu thụ mà không cần qua trung gian.

Phát triển hạ tầng: Có hai hạ tầng vô cùng quan trọng đối với vùng sâu vùng xa là giao thông và Internet. Bất cứ nơi nào muốn phát triển thì đều cần tập trung đầu tư vào hai hạ tầng này. Đặc biệt trong đó kết nối Internet nên được xem trọng vì nó có thể mang những tiến bộ của khoa học công nghệ đến với người dân nhanh hơn, đồng thời có thể giúp thay đổi và nâng cao nhận thức cho người dân, từ đó có thể dẫn đến thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi cách sống của họ. Hạ tầng Internet hiện nay đang được Việt Nam rất chú trọng.

Duy trì và bảo tồn văn hóa bản địa: Trong quá trình phát triển vùng sâu vùng xa, bên cạnh việc phát triển kinh tế để thoát nghèo thì là việc duy trì và bảo tồn các di sản văn hóa, văn hóa bản địa cũng rất quan trọng, vì phát triển văn hóa cũng là cách để phát triển xã hội và cũng là cách tạo ra doanh thu cho người dân khi đẩy mạnh phát triển du lịch.

Xây dựng nông thôn mới thông minh theo hướng phát triển nông thôn số, xã hội số. Chẳng hạn như khu vực Tây Nguyên đã biết dùng máy bay không người lái (drone) để phun thuốc thay thế các phương pháp truyền thống vừa độc hại vừa tốn nhân công, giúp nâng cao năng suất lao động. Hay ở Đắk Lắk, tỉnh này đã xây dựng mô hình trồng cà chua bi tiên tiến bằng phương pháp thủy canh tích hợp rất nhiều công nghệ hiện đại bao gồm công nghệ số, công nghệ nano…

Xây dựng xã hội số là con đường nhanh nhất phát triển vùng sâu, vùng xa - Ảnh 3.

Mô hình trồng cà chua công nghệ cao.

Một số khuyến nghị

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Hoa cũng khẳng định Việt Nam có đầy đủ các giải pháp công nghệ (công nghệ số và các công nghệ tiên tiến khác) để chủ động triển khai chương trình nhằm cải thiện đời sống cũng như phát triển được khu vực vùng sâu, vùng xa. Theo đó, ông cũng đưa ra một số khuyến nghị cụ thể.

Thứ nhất, cần sự tham gia tích cực của toàn xã hội. "Đây không phải trách nhiệm của riêng bộ ngành nào".

Thứ hai, cần có những mô hình sản xuất mới phù hợp với vùng sâu, vùng xa; khai thông đầu ra, mở ra thị trường mới cho người dân.

Bên cạnh đó, ở những khu vực này cần đẩy mạnh cung cấp nhiều dịch vụ số, bao gồm cả dịch vụ công và các dịch vụ số khác (dịch vụ về phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ giáo dục đào tạo)… Vùng sâu, vùng xa có phát triển được hay không một phần quan trọng chính là tổng hợp của các dịch vụ này.

Đặc biệt là phát triển mạnh mẽ tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) tại các địa phương vùng sâu, vùng xa. Tổ CNSCĐ có thể đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà tuyên truyền để người dân hiểu, vận động người dân trau dồi và nâng cao các kiến thức cũng như kỹ năng số. Tổ này chính là lực lượng xung kích giúp người dân tiếp thu những hướng dẫn của tổ và những thành viên trong tổ cũng nhận được hướng dẫn từ các chuyên gia.

TS. Nguyễn Tuấn Hoa cũng cho biết, một vấn đề rất quan trọng khác đó là cần có các chuyên gia (nông học, CNTT, công nghệ sinh học,…) hướng dẫn kinh nghiệm cũng như kiến thức cho người dân ở các khu vực này. Muốn thay đổi phương thức sản xuất thì cần phải có sự hướng dẫn của chuyên gia, chứ không đơn giản chỉ là trang bị công cụ cho người dân để người dân tự thay đổi phương thức sản xuất.

Cuối cùng là xây dựng mô hình xã hội số ở vùng sâu, vùng xa thúc đẩy phát triển nhanh, toàn diện. Nếu ứng dụng công nghệ rời rạc, thì sẽ không hiệu quả, nhưng nếu xây dựng được một cộng đồng cùng phối hợp triển khai, người này hỗ trợ người kia, người biết hỗ trợ những người chưa biết, từ việc đơn giản cho đến phức tạp thì có thể thay đổi được một cộng đồng. Xây dựng xã hội số là con đường nhanh nhất phát triển vùng sâu, vùng xa./.

Nguồn tin: ictvietnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Thống kê
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay5,300
  • Tháng hiện tại107,056
  • Tháng trước164,742
  • Tổng lượt truy cập1,847,083
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây