Từ năm 2020, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) thực hiện quá trình chuyển đổi số trong giáo dục. Người học, trong đó học viên cao học và nghiên cứu sinh đã được hưởng những thành quả ban đầu của chuyển đổi số.
Hiện nay, công cuộc chuyển đổi số (CĐS) của PTIT đang bước vào giai đoạn tăng tốc để đáp ứng việc nâng cao chất lượng cũng như mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao vị thế của PTIT.
Năm 2020 khi đại dịch COVID-19 xảy ra, để đảm bảo chất lượng đào tạo, lãnh đạo PTIT đã nhìn nhận đây cũng là cơ hội để thúc đẩy nhanh chiến lược CĐS trong giáo dục tại Học viện.
Việc đầu tiên, Học viện thực hiện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm chuyên sâu, học liệu điện tử… đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp (DN) trong nước và quốc tế trang bị thêm các phòng Lab nghiên cứu mới, trong chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao với PTIT để hỗ trợ thầy và trò trong nghiên cứu khoa học, qua đó gắn kết với đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Điển hình như: Lab Học máy và ứng dụng, Lab an toàn thông tin, Lab blockchain, Lab tính toán thông minh cho phát triển bền vững, Lab viễn thông FPT, Lab 4G Viettel, Lab Samsung, Lab AI NAVER, Lab Kinh tế số…
Các Lab này được đảm nhiệm bởi nhóm các giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ chuyên môn giỏi cũng như các chuyên gia trong và ngoài Học viện, đặc biệt có sự tham gia của các nghiên cứu sinh, học viên cao học… Sản phẩm của Lab là các công trình nghiên cứu khoa học, các bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế chuyên ngành uy tín, qua đó giúp nghiên cứu sinh hoàn thành tốt luận án tiến sĩ của mình, đồng thời nâng cao thương hiệu của Học viện.
Các nghiên cứu sinh, học viên cao học của Học viện với đặc thù là đối tượng đang đi làm, ở những vị trí công việc khác nhau nhưng với những kinh nghiệm thực tế tích lũy tại đơn vị/tổ chức/DN hiện đang công tác; cùng với sự định hướng của các giảng viên Học viện có những công trình nghiên cứu khoa học được đánh giá tốt, nhiều đề tài nghiên cứu ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đã được ứng dụng thiết thực vào thực tế tại đơn vị công tác của người học.
Thứ hai, chỉ trong thời gian ngắn bằng nguồn vốn khoa học công nghệ từ các đề tài, nhiệm vụ cấp Nhà nước, cấp Bộ ngành và cấp Học viện, các giảng viên, nghiên cứu viên Học viện đã tạo ra các sản phẩm CĐS phục vụ cho quá trình giảng dạy, học tập, thực hành của người học theo cả hình thức trực tiếp và từ xa, mà không phải cơ sở đào tạo nào cũng có được.
Hiện nay, Học viện đã hình thành các ứng dụng hỗ trợ học tập, nghiên cứu đa dạng, phong phú; các cách thức liên hệ, tương tác giữa giảng viên, học viên, nhà trường, các chuyên gia… được kết nối dễ dàng thông qua nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT),...
CĐS hỗ trợ đắc lực cho giảng viên Học viện trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, từ truyền đạt tri thức sang những phương pháp giảng dạy tích cực. Những ứng dụng này giúp cho bài giảng thêm sinh động, kết hợp được nhiều cách thức tương tác đến người học, từ đó học viên có thể phát huy tối đa các năng lực nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo từ chính phương pháp mà giảng viên cung cấp cho họ.
Nhìn từ góc độ lạc quan thì đại dịch COVID-19, mặc dù mang lại những hậu quả to lớn cho xã hội nhưng cũng làm phát sinh những nhu cầu mới, những cơ hội mới để thầy và trò PTIT ứng dụng CĐS toàn diện hơn, tối ưu hơn về thời gian và phương pháp học tập, hình thành cho người học những kỹ năng mới trong thời kỳ mà công nghệ thay đổi nhanh chóng.
Tiếp tục chiến lược CĐS toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học
Với mục tiêu phát triển của mình, PTIT phấn đấu trở thành trường đại học (ĐH) có quy mô và chất lượng đào tạo, nghiên cứu hàng đầu Việt Nam về công nghệ số, là một trong các đơn vị chủ lực cung cấp nhân lực tri thức, chuyển giao công nghệ phục vụ CĐS quốc gia. Là cơ sở đào tạo ĐH tiên phong trong đổi mới phương thức đào tạo, có hệ sinh thái số gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, người học, DN và xã hội với mô hình quản trị đại học thông minh, thân thiện và chuyên nghiệp.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Học viện sớm trở thành hình mẫu về CĐS ĐH của Việt Nam với 3 trụ cột: đào tạo số, quản trị số và xã hội số trong trường ĐH. Trong đó lấy việc dạy, học, quản lý đào tạo, hỗ trợ người học được thực hiện qua các nền tảng số. Lấy CĐS là nền tảng đổi mới căn bản phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, hiệu quả, tích hợp “cá thể hóa” cho các hệ đào tạo ở trình độ cao cũng như tạo đột phá trong đào tạo lại, đào tạo nâng cao đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, học tập mọi lúc mọi nơi cho mọi đối tượng có nhu cầu học tập
Với các mục tiêu xuyên suốt và giải pháp toàn diện trong CĐS, Học viện tin tưởng trong thời gian không xa, chất lượng đào tạo trong đó có đào tạo sau ĐH của Học viện sẽ tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới./.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn