Việc cần thiết phải xây dựng, hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, gia tăng sự phát triển bền vững, lâu dài cũng như các giá trị thụ hưởng, trải nghiệm của cộng đồng dân cư sinh sống.
Vì điều này, khi nói về các công nghệ nền tảng đang được áp dụng hiện nay như: Hệ thống thông tin địa lý (GIS); công nghệ bản đồ 3D; mô hình thông tin công trình (BIM); chuỗi khối (blockchain)…, một số chuyên gia cho rằng, những điểm chính phù hợp với điều kiện phát triển ở lĩnh vực này đối với Việt Nam cần tập trung chính là khai thác các nền tảng để thu thập dữ liệu, lưu trữ, truy vấn, hiển thị…
Cần chủ động đón đầu ứng dựng công nghệ
Theo TS. KTS. Phạm Ngọc Tuấn, Đại học Kiến trúc TP. HCM, khi sử dụng nền tảng blockchain sẽ giúp công tác xây dựng, vận hành các khu đô thị đảm bảo các dữ liệu không bị thay đổi, sửa chữa, đồng thời, theo dõi được đường đi của dữ liệu cũng như gia tăng tính bảo mật an toàn của dữ liệu.
Cùng với đó, cần tập trung khai thác, sử dụng công nghệ blockchain phiên bản 3.0 (các phần mềm được triển khai độc lập, không nằm trên một máy chủ duy nhất) hoặc sử dụng phiên bản 4.0 (ứng dụng vào các lĩnh vực thực tế).
Hơn nữa, blockchain sử dụng trong công tác quy hoạch cần tập trung phát triển lý thuyết cốt lõi về quy hoạch để đô thị có thể thông minh hơn. Nghĩa là, các nhà quy hoạch đô thị cần đề xuất các yêu cầu công nghệ, dùng công nghệ để giải quyết công việc lập và quản lý quy hoạch.
Cùng với đó, người làm quy hoạch phải hiểu một cách rõ ràng và sâu sắc các đặc tính của blockchain (không phải góc độ kỹ thuật mà là góc độ bản chất và đặc điểm blockchain). Từ đó, xem xét công tác nào cần ứng dụng blockchain, công tác nào không cần thiết, ra đề bài, yêu cầu cho các nhà phát triển phần mềm (Dapps), chủ động đón đầu ứng dựng công nghệ, mang lại các kết quả tốt và chính xác hơn, đáng tin cậy hơn cho công tác quy hoạch đô thị.
“Cần chú trọng, sử dụng công nghệ blockchain cho công tác: Lập quy hoạch (sử dụng dữ liệu chuẩn để lập các đồ án quy hoạch); công bố quy hoạch (đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch); lưu hồ sơ (đảm bảo toàn vẹn hồ sơ, dễ kiểm tra lịch sử hỗ trợ, thay đổi)”, TS. KTS. Phạm Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Áp dụng GIS và BIM trong cùng một giải pháp
Ở góc nhìn khác, chuyên gia Trần Vũ Việt Anh, Công ty TNHH Phần mềm Bắc Hà cho rằng, cần áp dụng GIS và BIM trong cùng một giải pháp, vì đây là hai công nghệ có thể hỗ trợ, tương tác với nhau.
Hơn nữa, cần xây dựng một nền tảng dùng chung dựa trên mô hình thông tin 3D thông minh nhằm giúp phân tích và truyền đạt thông tin của công trình hiệu quả, đồng thời, đẩy nhanh quá trình xét duyệt quy hoạch, tối ưu phương án kiến trúc, cấp phép xây dựng.
Đặc biệt, nền tảng dùng chung có ưu điểm đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) xây dựng đảm bảo: Thống nhất khi xử lý thông tin, dữ liệu thông minh; chuẩn quy hoạch, hạ tầng thông minh; quản trị, vận hành thông minh…
Hơn nữa, các công nghệ áp dụng cần đảm bảo có khả năng đáp ứng, tương thích với kiến trúc nền tảng CĐS (nền tảng mở đa định dạng; có khả năng kết nối với các phần mềm, công cụ số thiết kế khác; sẵn sàng với nhu cầu thực tế và bảo dưỡng…).
Và cần thiết phải đảm bảo áp dụng phù hợp với hệ thống bản đồ bất kỳ; quản lý được nhiều lớp; quản lý được tất cả các đối tượng công cộng; quản lý theo khu vực cụ thể - công trường.
“Đặc biệt trong quá trình xây dựng, phát triển, vận hành các đô thị, có thể áp dụng nền tảng: XD-twin.io (có tích hợp 3D virtual; Survey; BIM 4D); govmap.gov.il (tích hợp BIM &GIS trên cùng một hệ thống; quản lý tối ưu các dịch vụ giữa chính quyền - người dân - DN); luucy.ch (trực hoá mọi tham số khi lập kế hoạch; đơn giản, dễ hiểu giúp theo dõi các dự án trong cộng đồng; cung cấp cơ sở lập kế hoạch và tối ưu hoá nỗ lực quản trị thông qua sự đa dạng thông tin)…”, chuyên gia Trần Vũ Việt Anh nhấn mạnh.
Cần ứng dụng GIS trên phạm vi, diện rộng
Cũng là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, vận hành các đô thị thông minh, ThS. Nguyễn Việt Dũng, Viện Quy hoạch môi trường, hạ tầng kỹ thuật đô thị (MTHTKTĐT) và nông thôn trực thuộc Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho rằng hiện nay GIS đang được ứng dụng trong công tác quản lý thông tin kiến trúc, quy hoạch hỗ trợ thực sự vẫn còn hạn chế.
Cụ thể, công cụ ứng dụng này đối với công tác quản lý dữ liệu ngành hiện tại chưa đạt hiệu quả cao, vì việc cập nhật, theo dõi các hoạt động, tra cứu thông tin khi cần thiết là một vấn đề vẫn còn khó khăn. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng chưa giao cụ thể cho một đơn vị nào xây dựng, tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu địa lý thông tin quy hoạch nói riêng hay dữ liệu ngành xây dựng nói chung; chưa có hướng dẫn hay khung pháp lý hay chuẩn dữ liệu địa lý cho quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; chưa có cơ chế vận hành về nguồn lực, con người đảm bảo cho hệ thống này được cập nhật thông tin liên tục biến động trong quá trình phát triển đô thị…
Với những hạn chế trên, ThS. Nguyễn Việt Dũng cho rằng, khi ứng dụng GIS cần đảm bảo tiếp cận theo hướng bài bản; cần gắn với công tác kế thừa với các nghiên cứu thực tế của Việt Nam và hợp tác hỗ trợ phát triển của các tổ chức quốc tế.
Hơn nữa theo ThS. Nguyễn Việt Dũng, cần ứng dụng GIS trên phạm vi, diện rộng không chỉ ở các thành phố trung ương mà cả các địa phương trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị, đảm bảo kiểm soát năng động, hiệu quả các hoạt động xây dựng đô thị.
“Đặc biệt, cần áp dụng công cụ GIS để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ đối với các cơ quan quản lý nhà nước; đáp ứng nhu cầu khai thác, chia sẻ thông tin về phát triển đô thị đối với người dân và DN để thực hiện việc tra cứu, phản ảnh thông tin, đóng góp ý kiến, tham gia xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, xây dựng và quản lý đô thị”, ThS. Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh./.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn