Doanh nghiệp còn chuyển đổi số theo phong trào vì sợ bị bỏ lỡ?
Doanh nghiệp còn chuyển đổi số theo phong trào vì sợ bị bỏ lỡ?
Theo các chuyên gia, nếu như trước đây, một số doanh nghiệp (DN) tiến hành chuyển đổi số (CĐS) khi chưa xác định đúng nhu cầu mà chủ yếu theo phong trào vì sợ bị bỏ lỡ thì hiện nay, họ đã dần nhận thức được, triển khai nghiêm túc và thực chất hơn.
DN đã thực sự nghiêm túc hơn khi triển khai CĐS
Vài năm gần đây, trong bối cảnh, nhà nhà người người nhắc đến CĐS, nhiều ý kiến đã lo lắng đến tình trạng DN CĐS theo phong trào, thay vì từ nhu cầu thực của DN. Đánh giá về câu chuyện này, ông Nguyễn Thượng Tường Minh, CEO Base cho biết, thực tế đúng là tình trạng các DN CĐS theo phong trào có diễn ra. Điều này phần nào là do áp lực từ nỗi lo sợ bị bỏ lỡ (FOMO) của các DN vừa và nhỏ, khi mà cả Chính phủ và cộng đồng DN đều đẩy mạnh thông điệp về CĐS trong suốt vài năm vừa qua.
Chưa kể, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng khốc liệt khiến cho các DN phải nhanh chóng thích nghi với thời đại. Dù vậy, không phải DN nào cũng xác định được vấn đề của mình, hoặc đã tìm được nhưng không biết cách chọn lựa phần mềm phù hợp, hoặc đơn giản không có nguồn lực, hay khả năng tự triển khai.
“Vì vậy, theo tôi, điều quan trọng nhất là khi các DN quyết định tham gia CĐS, họ có thể xác định rõ vấn đề mà họ đang đối mặt, tìm kiếm công nghệ phù hợp và đối tác công nghệ lâu dài”, ông Minh chia sẻ thêm.
Mặc dù vậy, khi DN tăng trưởng chậm lại, quá trình CĐS sẽ có một vài thay đổi. Tiêu biểu như việc họ sẽ không tiếp cận, tìm hiểu hay áp dụng công nghệ theo phong trào nữa, mà dần nhận thức được rằng đó là công cuộc mà chắc chắn phải làm.
Trong quá trình làm việc với khách hàng gần đây, Base nhận thấy rằng họ rất tích cực trao đổi, chủ động, chia sẻ, họ thể hiện rằng họ thực sự nghiêm túc muốn triển khai, chứ không phải gặp vì tò mò, vì muốn thử như trước.
Trước câu hỏi về việc CĐS theo phong trào, dẫn đến kết quả không như mong đợi liệu có làm cho DN sợ/ngại hoặc có đánh giá không đúng về CĐS hay không, theo ông Minh, trong quá trình chuyển đổi không thành công, các tổ chức sẽ có tâm lý e ngại và thường thận trọng hơn khi quyết định tái triển khai. Nhưng nếu họ được đả thông tư tưởng, hiểu được vì sao đơn vị mình triển khai công nghệ không hiệu quả, được tư vấn một lộ trình hợp lý và được đối tác công nghệ hỗ trợ trong quá trình tái triển khai thì không thành vấn đề.
“Lúc đó, họ sẽ quyết liệt và quyết tâm hơn bao giờ hết. Từ quan sát của Base, đã có rất nhiều DN từng CĐS thất bại nhưng quyết tâm làm lại, tìm đến chúng tôi và giờ đã thành công”, ông Minh nói.
Ngược lại, ông Nguyễn Bình Nam, CEO OplaCRM lại cho rằng, không có nhiều DN CĐS theo phong trào, bởi vì công ty nào CĐS thì cũng đạt được ít nhiều thành tựu. Dù vậy, số lượng các DN thực sự chuyển đổi không nhiều.
Cần quản trị số để quá trình CĐS đi vào thực chất hơn
Để DN xác định được đúng/đủ nhu cầu của mình, ông Minh cho biết, đầu tiên, mỗi đơn vị cần phải có một đội ngũ tiên phong trong CĐS. Đó có thể là các giám đốc hoặc các nhà quản lý để cùng nhau định rõ vấn đề mà họ đang đối mặt.
Thứ hai, DN nên tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia, các đơn vị có khả năng tư vấn về quản trị, vận hành, từ đó đưa ra các giải pháp công nghệ và hỗ trợ triển khai, đào tạo cho nhân viên.
Về xu hướng CĐS trong năm 2024, ngường đứng đầu Base cho rằng, DN sẽ hướng tới mục tiêu quản trị số. Với quản trị số, các công ty không chỉ chuyển đổi công cụ hoặc không gian quản trị từ giấy bút thủ công sang phần mềm máy tính, mà còn là sự thay đổi trong tư duy và hành động của nhà quản trị. Người quản lý sẽ đi từ việc nắm bắt bức tranh tổng quan của DN với những mục tiêu và các chỉ số then chốt đến giải quyết các công việc lớn trong ngày.
“Cuối cùng là giao tiếp và cộng tác với đúng người, đúng việc, đúng quy trình để giải quyết nhanh từng vấn đề cụ thể. Đây cũng là một trong bốn trọng tâm của CĐS quốc gia năm 2024", ông Minh kết luận.
Còn theo đại diện OplaCRM, hiện nay, xu hướng CĐS đã lan tỏa, không còn trào lưu hay câu nói cửa miệng như trước, thay vào đó DN sẽ gọi là đầu tư công nghệ. Sau ngân hàng, bán lẻ, các DN thuộc nhóm sản xuất, công nghiệp, dịch vụ mô hình B2B sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ vì họ hiểu rằng, nếu không đầu tư thì sẽ tụt hậu trong cuộc đua sinh tồn.
Để thúc đẩy CĐS trong thời gian tới, ông Nam cho rằng, cơ quan quản lý đừng chỉ hô hào CĐS là công nghệ mà cần có sự thay đổi nhịp nhàng của cả 3 yếu tố bao gồm: Con người (people); Quy trình (process); Công nghệ (platform).
“Chỉ khi đó, CĐS mới thực sự hiệu quả và đi vào thực chất hơn”, ông Nam nhấn mạnh./.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Đang truy cập43
- Hôm nay3,372
- Tháng hiện tại112,439
- Tháng trước176,560
- Tổng lượt truy cập1,687,724