DN vẫn gặp khó khi ứng dụng KH&CN, đưa sản phẩm ra thị trường
DN vẫn gặp khó khi ứng dụng KH&CN, đưa sản phẩm ra thị trường
Các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN). Một bộ phận lớn DN đầu tư cho KH&CN còn hạn chế, kết quả chưa cao.
Ngày 05/6/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) và phát triển bền vững" nhằm mục tiêu cung cấp thông tin chính sách, cũng như các điều kiện hỗ trợ cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và các cơ quan liên quan cho nỗ lực đổi mới sáng tạo (ĐMST) của DN Việt Nam.
Nhiều chính sách hỗ trợ DN CĐS, ĐMST
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST đến năm 2030”, đặt ra mục tiêu nâng cao đóng góp của KH&CN và ĐMST vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong DN.
Để có thể hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ DN đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã được ban hành và có những tác động tích cực giúp các DN nâng cao năng suất, chất lượng, cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; hướng mạnh việc gắn nhiệm vụ KH&CN với sản phẩm đầu ra, với thực tiễn và thị trường; kiên trì thực hiện trao quyền tự chủ tối đa cho các tổ chức KH&CN gắn với trách nhiệm giải trình; khuyến khích DN và khu vực tư nhân thành lập viện nghiên cứu và DN KH&CN. Đến nay, đã hình thành các kênh tài chính hỗ trợ viện nghiên cứu, trường đại học và DN thông qua hệ thống các quỹ quốc gia về KH&CN.
Theo bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, những thay đổi trong chính sách đã mang tới quả ngọt. Năm 2023, Chỉ số ĐMST toàn cầu GII (Global Innovation Index) của Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế tăng 2 bậc so với năm 2022.
Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua. Ngoài ra, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có kết quả ĐMST vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á.
Dưới góc độ hỗ trợ DN trong quá trình CĐS, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT, cho biết hiện nay chính sách, chương trình hỗ trợ DN CĐS đã được ban hành khá đầy đủ, đồng thời đã xây dựng công cụ, nền tảng số, cơ sở dữ liệu CĐS, xây dựng và triển khai đào tạo CĐS cho DN, cho chuyên gia tư vấn CĐS, cũng như triển khai hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho DN về CĐS ...
“Có hơn 13.800 DN tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc được đào tạo trực tiếp về CĐS; gần 400 DN được hỗ trợ chuyên sâu xây dựng và triển khai lộ trình CĐS, 28 DN được đào tạo trực tiếp tại DN cho về CĐS; Mạng lưới hơn 120 tổ chức, cá nhân cung cấp giải pháp, tư vấn, đào tạo CĐS được sàng lọc, thành lập, đào tạo và kết nối với cộng đồng DN”, bà Trịnh Thị Hương nói.
Tại Diễn đàn, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC), Bộ KH&ĐT, nhấn mạnh sau khi có Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Nghị quyết 98 của Quốc hội... các cơ chế, chính sách đã bao phủ hơn về ưu đãi đầu tư cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm ĐMST, so với trước đây tập trung ưu đãi theo ngành nghề và địa bàn đầu tư.
Theo ông Thịnh, việc quy định ưu đãi đầu tư cho các trung tâm ĐMST do DN thành lập là một bước tiến lớn trong chính sách. Các ưu đãi cho cá nhân (chuyên gia, người lao động trong các DN khởi nghiệp sáng tạo) bước đầu được quan tâm.
Phát triển hệ sinh thái ĐMST, nâng cao năng lực ĐMST quốc gia là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, về cơ chế thí điểm (sandbox) cho ĐMST đã được chú trọng hơn và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này đang được nghiên cứu, sửa đổi.
Ông Thịnh cho biết đến nay, các hoạt động hỗ trợ ĐMST cũng gia tăng về chất lượng, số lượng, điển hình như: Diễn đàn Quỹ Đầu tư ĐMST, Triển lãm Quốc tế ĐMST Việt Nam; Hợp tác với Google nâng cao năng lực số; Hỗ trợ kết nối DN, quỹ đầu tư; Hỗ trợ không gian làm việc, hệ thống phòng Lab, kết nối DN, quỹ đầu tư, trường đại học…
Ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa (DNNVV), Bộ KH&ĐT, cho biết để thúc đẩy DN nói chung, DNNVV nói riêng thực hiện ĐMST, hiện nay, Quỹ đang hỗ trợ các nhóm đối tượng sau: DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; DNNVV tham gia cụm liên kết ngành; DNNVV tham gia chuỗi giá trị. Hiện nay, Quỹ đang hỗ trợ các DNNVV theo 4 hình thức: Cho vay trực tiếp: Cho vay gián tiếp; Tài trợ vốn; Hỗ trợ tăng cường năng lực.
DN vẫn gặp khó khi ứng dụng KH&CN, đưa sản phẩm ra thị trường
Nhìn từ góc độ truyền thông chính sách, bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của CĐS, ĐMST và ứng dụng công nghệ trong hoạt động truyền thông chính sách.
Bà kiến nghị, Nhà nước cần tạo điều kiện về chính sách để DN tư nhân được tham gia vào hoạt động truyền thông chính sách và phát triển các công nghệ nền tảng để lưu trữ, khai thác, phổ biến và phát triển dữ liệu truyền thông chính sách. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp với các vườn ươm, các DN công nghệ số, nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực truyền thông chính sách, nhất là trong sản xuất sản phẩm truyền thông, chuyển giao công nghệ truyền thông…
Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cũng cho rằng dù Việt Nam đã nỗ lực xây dựng khung pháp lý khuyến khích ĐMST, hỗ trợ DN đầu tư phát triển KH&CN, song vẫn cần có sự hoàn thiện trong thời gian tới.
“Thực tế đang cho thấy các chính sách hỗ trợ ĐMST còn dàn trải, chưa tập trung sâu vào từng ngành, nghề, lĩnh vực; còn hạn chế trong việc xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp; thiếu kết nối giữa các viện, trường đại học với ý tưởng khởi nghiệp”, bà Đỗ Thị Phương Lan nói.
KH&CN chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các DN, nhà đầu tư hiện vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư phát triển, ứng dụng KH&CN, khi đưa các sản phẩm KH&CN ra thị trường. Vấn đề cần lưu tâm là một bộ phận lớn DN đầu tư cho KH&CN còn hạn chế, kết quả chưa cao.
Báo cáo Hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam năm 2023 cho thấy đầu tư vốn cho hoạt động KH&CN và ĐMST của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Mức đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) so với GDP của Hệ sinh thái Việt Nam vẫn còn thấp và có xu hướng giảm.
Năm 2023, con số được ghi nhận về mức đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam là 0,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 66 toàn cầu, giảm 7 bậc so với năm ngoái, xếp hạng thấp hơn cả xếp hạng của năm 2021. Trong khi đó, các nước trong cùng khu vực đã có sự gia tăng về nguồn vốn đầu tư vào hoạt động này và nhanh chóng vươn lên trên bảng xếp hạng năm 2023 như: Thái Lan: 1,3% (tăng 4 hạng); Singapore: 2,2% (tăng 3 hạng); Malaysia: 1%.
DN Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại khi ĐMST. 75% DN được khảo sát trong báo cáo khẳng định rằng việc chưa được nhận thức đầy đủ về vai trò của ĐMST mở dẫn đến động lực hiện thực hóa chưa rõ ràng./.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Đang truy cập49
- Hôm nay3,633
- Tháng hiện tại112,700
- Tháng trước176,560
- Tổng lượt truy cập1,687,985