Dự Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các đơn vị có liên quan. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối từ điểm cầu Chính phủ đến điểm cầu 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc triển khai thực hiện Đề án 06 tỉnh và các đơn vị có liên quan…
Chuyển đổi số đã và đang trở thành yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội trên toàn cầu. Theo Báo cáo của Liên hợp quốc năm 2022, chỉ số Chính phủ điện tử/Chính phủ số (EGDI) của Việt Nam giữ nguyên thứ hạng là 86/193 quốc gia, không tăng bậc so với xếp hạng năm 2020. Xếp hạng Dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam đạt 76/193 (tăng 5 bậc so với năm 2020); dữ liệu mở xếp thứ 87/193 (tăng 10 bậc so với năm 2020).
Về xếp hạng Chính phủ điện tử tại khu vực Đông Nam Á, theo Liên hợp quốc năm 2022, Việt Nam giữ nguyên thứ hạng là 6/11 quốc gia. Xếp hạng Dịch vụ công trực tuyến, Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2020, xếp hạng thứ 5/11. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm. Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã cải thiện đứng thứ 3 khu vực. Hai năm liên tiếp 2022, 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam đã đứng thứ 1 khu vực ASEAN.
Tại Báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu - GCI 2020 do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) công bố năm 2021, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN1 và tiếp tục duy trì.
Năm 2020, bắt đầu triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến có bước tăng trưởng đột phá khi hàng năm tăng trưởng bằng cả giai đoạn 10 năm trước đó. Đến nay, tỷ lệ này cả nước đạt trên 55%, tăng gấp 5 lần so với giai đoạn 10 năm trước đó.
Hiện nay, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Tình hình xã hội số giai đoạn 2022 - 2024 có những chuyển biến tích cực, trong đó tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử tăng từ mức 3% lên 13,5% (tăng gần gấp 4 lần); tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 87,08% (tăng thêm 20% từ mức tỷ lệ của năm 2020).
Sau hơn 2 năm 6 tháng triển khai, đã có 43/76 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 100% công dân đã được cấp mã số định danh cá nhân; 86,3 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hơn 75,7 triệu tài khoản định danh điện tử đã được cấp và kích hoạt trên 55,25 triệu tài khoản.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương, đồng bộ tren 670 triệu thông tin công dân để làm giàu dữ liệu dân cư, cập nhật thường xuyên “Đúng, đủ, sạch, sống”, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí và ngày càng hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia…
Thảo luận tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và một số địa phương đã tập trung vào các giải pháp nhằm nâng chất lượng công tác triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực ngành, địa phương, góp phần chuyển đổi số quốc gia.
Nguồn tin: laichau.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn