Đẩy mạnh cấp miễn phí chữ ký số cá nhân để người dân thực hiện TTHC công
Đẩy mạnh cấp miễn phí chữ ký số cá nhân để người dân thực hiện TTHC công
Bộ TT&TT tiếp tục có những chính sách thúc đẩy người dân sử dụng chứng thư chữ ký số (CKS) cá nhân. Cùng với đó, các doanh nghiệp (DN) cung cấp CKS cá nhân tiếp tục đồng hành cấp miễn phí CKS cá nhân cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính công.
Đây là chia sẻ của bà Tô Thị Thu Hương Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT tại "Hội thảo tập huấn về dịch vụ tin cậy, CKS và Luật giao dịch điện tử” tại tỉnh Quảng Ninh ngày 6/9/2024.
Hội thảo tập huấn do NEAC tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng và kiến thức liên quan đến các dịch vụ tin cậy và CKS, đồng thời cung cấp các thông tin cập nhật về Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) sửa đổi 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 cho các đại biểu tham dự.
Theo NEAC, hội thảo là một phần trong nỗ lực của NEAC nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ số trong quản lý, điều hành và hoạt động kinh tế - xã hội, phù hợp với định hướng chuyển đổi số (CĐS) quốc gia mà Chính phủ đã đề ra. CKS và các dịch vụ tin cậy đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn, bảo mật và tính pháp lý cho các GDĐT, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam.
CKS là tài sản số quan trọng
Bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC cho biết việc nâng cao nhận thức và kỹ năng về CKS và các dịch vụ tin cậy trong bối cảnh CĐS đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam là quan trọng.
Theo đánh giá của NEAC, trong năm 2023, với sự nỗ lực của Chính phủ, các địa phương, các DN, chứng thư CKS cá nhân đã có sự phát triển vượt bậc đáng ghi nhận. Cuối năm 2022, tổng số chứng thư CKS cá nhân trên toàn quốc mới đạt 400.000, đến nay sau khi Bộ TT&TT phát động cấp chứng thư CKS cá nhân miễn phí cho người dân thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) công, số lượng chứng thư CKS cá nhân đã đạt 2,5 triệu, trong khi số lượng chứng thư CKS đã cấp là trên 11 triệu.
Tuy nhiên, theo Giám đốc NEAC, nếu tính tỷ lệ chứng thư CKS cá nhân so với người dân trưởng thành hiện nay mới đạt có 4%, vẫn còn cách xa mục tiêu mà Chính phủ đưa ra trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là đạt 50% tỷ lệ người dân trưởng thành phát triển CKS cá nhân vào năm 2025 và đặc biệt hướng tới đạt 70% năm 2030.
Cũng theo Giám đốc NEAC, Bộ TT&TT đã xác định CKS được xếp vào là cấu phần của hạ tầng số (mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ dân có một đường cáp quang, được phủ sóng 4G, 5G…). Theo đó, tới đây, Bộ TT&TT sẽ có những chính sách thúc đẩy người dân sử dụng chứng thư CKS cá nhân, cũng như đưa một số dịch vụ công trực tuyến bắt buộc phải sử dụng CKS cá nhân. Song song với đó, các DN cung cấp dịch vụ CKS vẫn tiếp tục cam kết, đồng hành và phát triển cấp miễn phí CKS cá nhân cho người dân thực hiện các TTHC công.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, Giám đốc NEAC cho biết Luật GDĐT sửa đổi 2023 đã được Quốc hội thông qua không chỉ tạo khung hành lang pháp lý vững chắc cho các hoạt động GDĐT mà còn mở ra nhiều cơ hội khác. Theo đó, “CKS là tài sản số quan trọng, là một mắt xích không thể thiếu được trong thời đại CĐS, trong việc hướng tới dịch vụ tin cậy, an toàn và vững mạnh”.
Người sử dụng hào hứng ứng dụng CKS cá nhân
Chia sẻ về sự phổ cập CKS cá nhân trong thời gian qua, ông Phùng Huy Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) CKS và GDĐT Việt Nam, tổ chức chuyên môn của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết CLB với các thành viên là các DN cung cấp dịch vụ CKS đã cùng với NEAC ra mắt dịch vụ ký số từ xa (remote signing) hướng đến người sử dụng cá nhân, đảm bảo người sử dụng chỉ một “chạm” và có thể ký số. CLB đã đẩy mạnh phổ cập CKS cá nhân và đạt sự phổ cập cao từ vùng đô thị đến vùng sâu, vùng xa.
Ông Tâm cũng cho biết việc phổ cập đạt được nhờ sự nhiệt tình của các nhà cung cấp CKS trong việc đưa ra các phương thức phổ cập khác nhau và điều quan trọng là người sử dụng rất hào hứng ứng dụng CKS cá nhân cho các hoạt động của mình vì nhiều lợi ích mang lại.
Trong khi đó, nhờ CKS, hiện nay các DN có thể CĐS toàn diện từ quy trình, nghiệp vụ, thủ tục, dịch vụ cũng như là các tiện ích. Các DN đã có thể giao dịch với các đối tác, cơ quan quản lý nhà nước, xã hội… cả trực tuyến và trực tiếp với sự đóng góp của CKS. Vừa qua, trong một thời gian ngắn, 100% các trạm xăng dầu đã sử dụng hoá đơn điện tử (HĐĐT). Các siêu thị, hộ kinh doanh cũng đã sử dụng HĐĐT nhờ CKS được phổ cập.
Ông Tâm cũng cho biết CLB đã rất sẵn sàng phổ cập CKS cho toàn bộ các nghiệp vụ của ngân hàng như xác thực đăng nhập, hồ sơ, giải ngân, vay an toàn…
Cũng tại hội thảo tập huấn, ông Đỗ Kế Công, Giám đốc Trung tâm kinh doanh dịch vụ CKS và HĐĐT - VNPT CA cho biết CKS của VNPT đã phổ cập 63/63 tỉnh/thành phố với hơn 1 triệu người dùng với hơn 65 triệu lượt ký, trong đó 50% thị phần CKS cá nhân theo mô hình ký số từ xa. Đơn vị này đặt mục tiêu cung cấp 10 triệu CKS cá nhân đến năm 2025 và dẫn đầu về thị phần trên toàn quốc.
VNPT cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng theo mô hình ký số từ xa Make in Việt Nam đạt tiêu chuẩn an toàn châu Âu (eIDAS) và được cấp phép bởi Bộ TT&TT giúp người dùng có thể ký số tiệnlợi mọi lúc, mọi nơi ngay trên thiết bị di động (smartphone/tablet). Dịch vụ dễ dàng tích hợp với các phần mềm, ứng dụng thực hiện giao dịch ký số an toàn, thuận tiện.
eSign: cổng cung cấp dịch vụ ký số tập trung, giúp đơn giản hóa quy trình ký số điện tử trong giao dịch trực tuyến
Hiện nay, NEAC đã phối hợp cùng với các cơ quan liên quan, đặc biệt là Vụ Pháp chế đẩy mạnh các hoạt động tập huấn và tuyên truyền cho người dân nhận thức được vai trò quan trọng của CKS cá nhân cũng như là GDĐT.
Tại hội thảo tập huấn tại tỉnh Quảng Ninh lần này, các cơ quan, tổ chức đã thảo luận về việc phổ cập toàn trình trong các dịch vụ ngân hàng, nhằm nâng cao tính bảo mật, tiện lợi và hiệu quả cho các giao dịch ngân hàng số. Đây là vấn đề được đặt ra trong bối cảnh các giao dịch số ngày càng phổ biến và yêu cầu tính bảo mật cao.
NEAC cũng giới thiệu và hướng dẫn về Cổng kết nối ký số tập trung (eSign). Đây là một hệ thống được phát triển để cung cấp dịch vụ ký số tập trung, giúp đơn giản hóa và tối ưu hóa các quy trình ký số điện tử trong các giao dịch trực tuyến. eSign là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy CĐS tại Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả khu vực công và tư nhân, góp phần phát triển kinh tế số và xã hội số bền vững.
Theo ông Lê Nam Hàn, đại diện NEAC, eSign đã kết nối 63/63 địa phương. Top 5 tỉnh đứng đầu về lượt gọi gồm: Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Sóc Trăng, Quảng Ngãi. Trong khi đó, 12/22 bộ và cơ quan ngang bộ đã kết nối eSign. Top 5 bộ, cơ quan ngang bộ đứng đầu về lượt gọi eSign gồm: Dịch vụ công quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Công an.
NEAC đang tiếp tục thực hiện nâng cấp eSign, trong đó nâng cấp hệ thống để phục vụ người dân, DN và mở rộng cho các giao dịch ký số ngoài dịch vụ hành chính công./.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Đang truy cập44
- Hôm nay3,508
- Tháng hiện tại112,575
- Tháng trước176,560
- Tổng lượt truy cập1,687,860