Đây là đánh giá của báo cáo “Sự sẵn sàng phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Đông Nam Á” mới được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) công bố mới đây.
Báo cáo, có tên tiếng Anh là Smart Tourism Ecosystem Development Readiness in Southeast Asia, đã đánh giá môi trường thuận lợi và mức độ sẵn sàng về công nghệ của Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines, Thái Lan và Việt Nam để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.
Hệ sinh thái du lịch thông minh được định nghĩa là hệ thống du lịch sử dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện khả năng cạnh tranh của điểm đến bằng cách nâng cao trải nghiệm du lịch, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và đổi mới và tăng tính bền vững thông qua tối ưu hóa tài nguyên.
Hệ sinh thái du lịch thông minh bao gồm: (i) công nghệ số, (ii) người tiêu dùng, (iii) các doanh nghiệp và (iv) điểm đến du lịch.
Theo báo cáo, điểm đáng chú ý, Việt Nam ghi điểm 67, chỉ sau Thái Lan với 72. Indonesia là 66, Philippines 56, Lào 53 và Campuchia 50.
Một lợi thế của Việt Nam là chi phí dịch vụ Internet trung bình hàng tháng. ADB lưu ý: “Philippines đạt 20 điểm, cho thấy chi phí tương đối cao, trong khi Việt Nam đạt 100 điểm, cho thấy khả năng truy cập Internet phải chăng nhất trong khu vực”.
ADB cho biết thêm: “Đối với tốc độ trung bình của Internet di động, mức trung bình toàn khu vực là 40. Việt Nam nổi bật với tốc độ Internet di động tương đối cao hơn, đạt 100 điểm”.
Theo đánh giá của báo cáo, Việt Nam có một số lợi thế phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, bao gồm ưu tiên chính sách du lịch thông minh. Việt Nam có mức độ hiểu biết cao về công nghệ du lịch, khoảng cách số về giới tính thấp, năng lực khởi nghiệp, khả năng tiếp cận Internet ở thành thị và nông thôn cao, vùng phủ sóng 4G rộng, chi phí băng thông rộng trung bình, truy cập di động và tốc độ băng thông rộng trung bình.
Từ ngày 15/08/2023, Việt Nam cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và thời hạn thị thực điện tử được nâng lên từ không quá 30 ngày thành không quá 90 ngày.
Báo cáo cũng chỉ ra các lĩnh vực cần cải thiện ở Việt Nam, bao gồm thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, mở rộng đầu tư du lịch thông minh, tăng cường khả năng tiếp cận máy tính và thanh toán điện tử cũng như cải thiện nguồn nhân lực số.
Việt Nam đã khởi xướng các chương trình nhằm giải quyết một số thách thức này. Ví dụ, Chương trình Phát triển Du lịch Nông thôn trong Chương trình Phát triển Nông thôn mới là một sáng kiến nhằm phát triển nền kinh tế du lịch số ở nông thôn. Mục tiêu của chương trình là có ít nhất 50% các điểm du lịch nông thôn được công nhận được quảng bá bằng kỹ thuật số và sử dụng công nghệ số vào năm 2025. Để đạt được điều này, ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn và 80% lao động du lịch nông thôn sẽ được đào tạo kỹ năng số và khởi nghiệp. Một cơ sở dữ liệu và lập bản đồ số về các điểm du lịch nông thôn cũng đang được tiến hành triển khai.
Báo cáo nhận định hệ sinh thái du lịch thông minh cải thiện khả năng cạnh tranh của điểm đến du lịch và tạo điều kiện cho sự phát triển bao trùm và bền vững hơn. Ở Đông Nam Á, các quốc gia ưu tiên các khía cạnh khác nhau của phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh trong chính sách du lịch và số hóa quốc gia của mình và đã đạt được tiến bộ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số. Tuy nhiên vẫn còn những thách thức.
Để khắc phục, báo cáo cho rằng các quốc gia Đông Nam Á nên ban hành cải cách chính sách và triển khai các nguồn lực công để thúc đẩy tài chính tư nhân cho việc mở rộng cơ sở hạ tầng và dịch vụ CNTT, mở rộng khả năng tiếp cận các giải pháp đầu tư du lịch thông minh cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), tăng cường đầu tư đào tạo kỹ năng ở các khu vực tụt hậu và sử dụng nền tảng khu vực để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nhằm cải thiện hơn nữa môi trường chính sách, pháp lý của hệ sinh thái du lịch thông minh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón hơn 6,2 triệu khách du lịch nước, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023, vượt mức trước đại dịch COVID-19 là 3,9%, cho thấy kết quả do sự phục hồi và tăng trưởng của ngành du lịch.
Tháng 4/2024 chứng kiến 1,55 triệu lượt khách quốc tế, tăng 58,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cục Du lịch lưu ý số liệu này rất ấn tượng vì tháng 4 thường là tháng cao điểm chỉ dành cho du lịch nội địa.
Hàn Quốc vẫn là nguồn khách du lịch nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với 1,6 triệu lượt khách, chiếm 25,8% tổng lượng khách. Các nguồn chính khác là Trung Quốc đại lục với 1,25 triệu, Đài Loan với 418.000, Mỹ với 301.000 và Nhật Bản với 235.000./.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn