8 chỉ tiêu cụ thể ưu tiên thực hiện chủ đề chuyển đổi số năm 2024

Thứ bảy - 20/04/2024 00:58

8 chỉ tiêu cụ thể ưu tiên thực hiện chủ đề chuyển đổi số năm 2024

Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) nhằm đẩy mạnh CĐS quốc gia theo hướng hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Chuyển đổi số

8 chỉ tiêu cụ thể ưu tiên thực hiện chủ đề chuyển đổi số năm 2024

AD 20/04/2024 09:03

Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) nhằm đẩy mạnh CĐS quốc gia theo hướng hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

ioc-hue-16587490442702134628181-60-0-1310-2000-crop-1658749052463797154697.jpg
(Ảnh minh họa)

Ngày 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS đã ký Quyết định 58/QĐ-UBQGCĐS ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban.

Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm đẩy mạnh CĐS quốc gia theo hướng hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực, tạo bứt phá phát triển KT-XH của đất nước; góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ.

Kế hoạch yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành về CĐS của các Ủy viên Ủy ban Quốc gia về CĐS (Ủy ban), Ban Chỉ đạo CĐS các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong việc triển khai CĐS; tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số.

8 chỉ tiêu cụ thể ưu tiên thực hiện chủ đề CĐS năm 2024

Kế hoạch đã xác định 8 chỉ tiêu cụ thể ưu tiên để thực hiện chủ đề CĐS năm 2024 "Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".

Trong đó, bao gồm thúc đẩy phát triển 48.000 doanh nghiệp (DN) công nghệ số hoạt động tại địa phương; 60% DN tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải; 40% người dân trưởng thành có sử dụng dịch vụ (DVC) công trực tuyến (DVCTT).

Bên cạnh đó, kế hoạch đặt mục tiêu hoàn thành triển khai 53 DVC thiết yếu, cụ thể: 25 DVC theo Đề án 06/CP (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022) và 28 DVC thiết yếu theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

100% hệ thống thông tin (HTTT) giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của các bộ, ngành, địa phương được kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ (Hệ thống EMC); 100% HTTT báo cáo của các bộ, ngành, địa phương kết nối với HTTT báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, 100% các thôn, bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động; 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ.

Thúc đẩy phát triển DN công nghệ số tại địa phương

Để đạt được các mục tiêu trên, Ủy ban đã đặt ra các nhiệm vụ triển khai cụ thể. Trong đó, Ủy ban xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các nhiệm vụ CĐS tại bộ, ngành, địa phương; xây dựng và trình ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn 2035.

Đồng thời, thúc đẩy, kết nối, tạo điều kiện cho các DN công nghệ số tham gia vào quá trình CĐS tại khu công nghiệp, khu chế xuất; ưu tiên sử dụng giải pháp công nghệ số do các DN Việt Nam phát triển; thúc đẩy phát triển DN công nghệ số tại địa phương; triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền chống thất thu thuế, thất thu ngân sách...

Trong Quý I năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định kiện toàn thành viên Ủy ban Quốc gia về CĐS. Theo đó, bổ sung Thứ trưởng Phạm Đức Long là thành viên Ủy ban Quốc gia về CĐS thay Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1690 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về CĐS từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo Bộ TT&TT, tính đến hết quý I năm 2024, 100% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch về CĐS. 100% địa phương đã ban hành nghị quyết về CĐS, kiện toàn, thành lập ban chỉ đạo về CĐS.

Bộ TT&TT đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh năm 2024; Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số, cập nhật các văn bản, xu hướng mới, xây dựng theo hướng toàn diện để có thể áp dụng chung cho toàn quốc, các địa phương, bộ, ngành.

Tính đến hết tháng 3/2024, tỷ lệ DVCTT (trên tổng TTHC) đạt 80,44%; tỷ lệ DVCTT toàn trình (trên tổng TTHC) đạt 47,79%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 37,23%; 50 tỉnh đã ban hành chính sách giảm phí, lệ phí; 13 tỉnh ban hành chính sách giảm thời gian xử lý để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT./.

Nguồn tin: ictvietnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Thống kê
  • Đang truy cập56
  • Hôm nay5,248
  • Tháng hiện tại118,539
  • Tháng trước1,740,996
  • Tổng lượt truy cập2,007,465
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây