Sáng 11/12, (theo giờ địa phương), bắt đầu chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Trung tâm công nghệ Brainport (BIC), TP. Eindhoven, nơi tập trung các doanh nghiệp (DN) công nghệ hàng đầu của Hà Lan.
Tăng cường hoạt động hợp tác khoa học công (KHCN) nghệ giữa hai nước
Tại đây, Thủ tướng đã nghe giới thiệu về BIC, khu công nghệ cao (CNC) và ĐMST lớn nhất châu Âu, nơi được coi là "thung lũng Silicon" của châu lục này; cũng như về tỉnh Bắc Brabant, một trong ba tỉnh có nền công nghiệp phát triển nhất Hà Lan. Trong đó, TP. Eindhoven được coi là thành phố thông minh (TPTM) và trung tâm công nghệ lớn của châu Âu, trung tâm ĐMST, trung tâm kinh tế, nghiên cứu và giáo dục đại học lớn nhất của Hà Lan, cái nôi của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Philips, Daf Trucks, Brabantia, SendCloud… cùng hàng nghìn công ty đa quốc gia và nhà nghiên cứu.
Thủ tướng và đoàn công tác cũng đã nghe Hà Lan chia sẻ về bài học kinh nghiệm để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, ĐMST, đồng thời, đề xuất những giải pháp để tăng cường hoạt động hợp tác KHCN giữa hai nước trong thời gian tới, cùng nhau tạo cơ hội mới, giá trị mới và động lực tăng trưởng mới trong giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.
Thủ tướng và các đại biểu cũng tham dự hội thảo bàn tròn "ĐMST và sản xuất CNC" với các CEO của 5 DN CNC, khởi nghiệp ĐMST tại khu Brainport.
Phó Thống đốc tỉnh Bắc Brabant, ông Martijn van Gruijthuijsen nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), với vai trò của sự hợp tác "ba nhà": DN, viện - trường và Chính phủ.
Năm 2023 đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan. Ông Martijn van Gruijthuijsen khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia được Hà Lan quan tâm nhất, vì Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và hai bên cùng có nhiều lĩnh vực có thể hợp tác thành công.
Ông Martijn van Gruijthuijsen nhắc lại, cuối tháng 11, Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan, bà Liesje Schreinemacher, đã dự Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh tại TP.HCM. Tại đó, Hà Lan nhất trí hợp tác với Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, đặc biệt là thích ứng với BĐKH, bảo vệ môi trường, nông nghiệp bền vững, logistics và năng lượng tái tạo.
Đề nghị Hà Lan hỗ trợ xây dựng Brainport tại Hà Nội
Phát biểu tại đây, Thủ tướng cho biết, hiện có một số xu thế lớn trong phát triển: Xu thế phát triển nhanh, bao trùm, bền vững; ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ĐMST, khởi nghiệp mạnh mẽ hơn phù hợp với từng quốc gia, dân tộc; xu thế thích ứng BĐKH; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh; đối diện, giải quyết các thách thức toàn cầu mà không ai có thể đứng ngoài cuộc…
Thủ tướng đánh giá quan hệ Việt Nam - Hà Lan đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, đặc biệt là đã trở thành đối tác chiến lược về ứng phó BĐKH. Hai nước càng hợp tác càng có thêm kinh nghiệm, cùng nhiều mô hình hợp tác hiệu quả giữa các địa phương của hai nước, như giữa TP. Eindhoven, tỉnh Bắc Brabant với tỉnh Bình Dương, tỉnh An Giang…
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với các mô hình của Hà Lan như cảng biển, cảng hàng không và mô hình Brainport tại BIC với tinh thần "không gian truyền cảm hứng cho ĐMST mở". Mặt khác, Hà Lan đã phát triển từ một nước nông nghiệp trở thành một nước có nông nghiệp CNC, công nghiệp CNC, ĐMST, dịch vụ thông minh.
"Nhìn vào những gì chúng ta đã, đang làm, đã và đang nói, có thể thấy chúng ta đã thống nhất về ý tưởng", Thủ tướng phát biểu, đồng thời đề nghị Hà Lan hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm ĐMST, khởi nghiệp với bước đi cụ thể và đạt hiệu quả qua từng năm tháng.
Thủ tướng cũng đề nghị Hà Lan hỗ trợ xây dựng một Brainport tại Hà Nội theo mô hình Brainport tại Eindhoven với quy hoạch, cơ chế, chính sách phù hợp, phát huy vai trò của "ba nhà" (nhà nước, viện - trường và DN), huy động các nguồn lực, trong đó có sự chung tay của các DN lớn từ châu Âu.
Thủ tướng gợi mở, Brainport tại Hà Nội cần đặt trọng tâm vào thúc đẩy ĐMST, khởi nghiệp, đi đúng hướng vào các ngành mới nổi như CĐS, chống BĐKH, kinh tế tuần hoàn; đồng thời giải quyết các vấn đề của Việt Nam như định hướng phát triển nông nghiệp, các vấn đề liên quan tới Đồng bằng sông Cửu Long, xóa đói giảm nghèo… bằng các thành quả ĐMST.
"Vấn đề cuối cùng, có ý nghĩa quyết định là vấn đề con người, do đó, hợp tác giữa hai bên phải có nội dung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Brainport này", Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng hy vọng sau chuyến thăm này, hai bên đưa mối quan hệ lên tầm cao mới, bao trùm, bền vững, xuyên suốt hơn, trong đó có quan hệ giữa BIC với các đối tác phía Việt Nam./.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn