Nhiều địa phương yêu cầu giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT

Thứ năm - 03/10/2024 12:24

Nhiều địa phương yêu cầu giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT

Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện, cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chất lượng cho người dân, doanh nghiệp thì việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm… trong cách làm, áp dụng mô hình, giải pháp cũng là điều quan trọng, cần thực hiện thường xuyên.
Chuyển đổi số

Nhiều địa phương yêu cầu giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT

Nhật Minh 03/10/2024 14:55

Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện, cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chất lượng cho người dân, doanh nghiệp thì việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm… trong cách làm, áp dụng mô hình, giải pháp cũng là điều quan trọng, cần thực hiện thường xuyên.

15 địa phương đã ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến, khuyến khích người dân sử dụng DVCTT

Theo số liệu của Bộ TT&TT, tính đến tháng 9/2024, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình đủ điều kiện đạt 100%. 100% Bộ, ngành, địa phương đã ban hành danh mục DVCTT toàn trình, một phần theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Việc triển khai cung cấp DVCTT đã đạt được các kết quả như 81% thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai là DVCTT, trong đó 49% TTHC được triển khai là DVCTT toàn trình (tính đến hết 15/9/2024).

Về hiệu quả sử dụng, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC đạt 77,44 % (đến ngày 15/9/2024).

Hiện nay, toàn quốc có 100% địa phương ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến, miễn phí, lệ phí sử dụng DVCTT; 15/63 tỉnh, thành đã ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Nam, Hậu Giang, Kon Tum, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, TP. Cần Thơ, TP. Đà Nẵng, Vĩnh Long.

dvc_20230628142005.jpg
Cán bộ xã Long Mai, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn người dân thực hiện TTHC trực tuyến. (Ảnh: baoquangngai.vn)

Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết các TTHC đạt 93%

Mới đây, tại hội nghị chuyên đề về “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng DVCTT” của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS), các kết quả, kiến giải pháp đã được đại diện các đơn vị thực hiện, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nêu ra, phân tích và đề xuất.

Tại hội nghị, một số kết quả tích cực, nổi bật trong công tác cung cấp và sử dụng DVCTT cũng đã được báo cáo, theo đó, 100% cơ quan nhà nước đã triển khai mạng Truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã; 100% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết TTHC; 82,2% hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng; 84% thuê bao điện thoại di động là điện thoại thông minh...

Cùng với đó, kết quả ghi nhận về mức độ hài lòng của người dân, DN về giải quyết các TTHC tăng từ 90% năm 2022 lên 93% tính đến tháng 8/2024. Nhiều đơn vị bộ, ngành, địa phương tích cực đẩy mạnh việc xây dựng, kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu.

unnamed-22-.jpg
Kết quả thực hiện TTHC, cung cấp DVCTT là một trong các "tiêu chí" đánh giá tín nhiệm trong nhiệm kỳ.

Đặc biệt, trong công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý nhanh chóng, tạo thuận lợi cho số hóa, Chính phủ đã ban hành 6 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 quyết định; các bộ, ngành đã ban hành các thông tư cho việc thực hiện DVCTT.

Cùng với đó, các TTHC tiếp tục được cắt giảm, đơn giản hóa. Từ năm 2021 đến nay, gần 3.000 quy định kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa; gần 700 TTHC được phân cấp cho địa phương; thêm gần 1,8 nghìn DVCTT được cung cấp, đạt 4,4 nghìn DVCTT cung cấp trên Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia, chiếm 70% tổng số TTHC. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành tăng 23% (đạt 43,4%), của địa phương tăng 35% (đạt 64,3%) so với năm 2023.

Không chỉ dừng lại ở việc hiện đại, số hoá các nội dung TTHC, trong kết quả chung này, hệ thống thông tin giải quyết TTHC luôn tích cực triển khai cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia, tạo thuận lợi thương mại, sẵn sàng thực hiện hải quan số. Đến nay, kết quả ghi nhận từ hệ thống cơ chế một cửa quốc gia đã: Cung cấp 250 TTHC của 13 bộ, ngành, với sự tham gia của trên 70.000 doanh nghiệp (DN); hàng chục triệu bộ hồ sơ TTHC được xử lý trên môi trường điện tử, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thông quan.

Vẫn còn thiếu sự quyết liệt của người lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành

Tuy nhiên, trong những kết quả tích cực này, những vấn đề tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cũng đã được chỉ ra. Theo đó, tồn tại, hạn chế còn hiện hữu là: Việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách cần phải được linh hoạt, thực hiện nhanh hơn; còn 400 TTHC chưa thực hiện phân cấp và 30% TTHC chưa được đơn giản hóa theo các Nghị quyết của Chính phủ; chất lượng cung cấp DVCTT giữa các cơ quan, đơn vị vẫn chưa đồng đều; vẫn còn 60 cổng DVC chưa đạt ở tiêu chí về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư; 39 cổng DVC chưa đạt ở tiêu chí về mức độ tiếp cận đối với người khuyết tật…

Cùng với đó, các vấn đề như: Nguồn nhân lực số, hạ tầng số; việc đảm bảo an ninh, an toàn trên môi trường mạng; truyền thông, tuyên truyền… đối với công tác này vẫn còn hạn chế, thiếu, bị động, chưa xứng tầm với vị trí, vai trò quan trọng của công tác này.

Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trên đã được chỉ rõ là do: Thiếu sự quyết liệt của người lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; chưa có sự phối hợp cao giữa các bộ, ngành, địa phương, DN, người dân; chưa tạo được phong trào, xu thế cho người dân, DN thực hiện DVCTT, giải quyết TTHC trên môi trường mạng…

Để hạn khắc phụ những hạn chế, tồn tại trên, những giải pháp chỉ đạo, điều hành đã được nêu rõ. Theo đó, để làm tốt, hiệu quả cao đối với công tác này, Bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các cấp cần quán triệt thực hiện theo khẩu hiệu tiến công mạnh mẽ, phát huy tinh thần: 1 mục tiêu (cắt giảm tối đa chi phí và tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, DN trong thực hiện DVCTT); 2 trụ cột (cắt giảm TTHC nội bộ; tạo thuận lợi cho người dân, DN thực hiện DVCTT); 3 đột phá (pháp lý hóa; số hóa; tự động hóa); 4 không (giấy tờ; tiền mặt; tiếp xúc; để ai bị bỏ lại phía sau); 5 đẩy mạnh (phân cấp, phân quyền đi đối với phân bổ nguồn lực; công khai, minh bạch, đơn giản hóa TTHC gắn với tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu; đầu tư hạ tầng số; đối thoại và xử lý vướng mắc phát sinh; kiến thức, kỹ năng, phát triển nhân lực số.

Hơn nữa, đề cập đến các giải pháp khắc phục, yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực vào cuộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập và nguyên nhân đã nêu; lấy kết quả thực hiện TTHC, cung cấp DVCTT là một trong các tiêu chí đánh giá tín nhiệm trong nhiệm kỳ…

Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, thành phố, địa phương cần cắt giảm, đơn giản hóa tối đa, kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh các thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 50% TTHC nội bộ và chi phí tuân thủ TTHC nội bộ; khẩn trương phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện các TTHC; rà soát, đánh giá lại, đổi mới cung cấp DVCTT, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về mức độ, thuận lợi, đơn giản, thân thiện với môi trường, người dùng, xanh hóa các DVC (hoàn thành trước ngày 15/12/2024); đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; xây dựng, hoàn thành, đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu…

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng CNTT, đáp ứng yêu cầu phục vụ CĐS quốc gia thông suốt, hiệu quả, tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của các Bộ: Công an, Quốc phòng, TT&TT; đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện CĐS, nhất là việc cung cấp, sử dụng DVCTT trong các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức…

Cũng để thúc đẩy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, trong thời gian tới, với vai trò là đầu mối, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị thực hiện nhiệm vụ, Bộ TT&TT tích cực phối hợp với Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ… tổng hợp các kiến nghị, đề xuất, từ đó ban hành văn bản, giải pháp xử lý, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vì mục tiêu tiếp tục nâng cao thực chất, hiệu quả chất lượng cung cấp DVCTT./.

Nguồn tin: ictvietnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Thống kê
  • Đang truy cập197
  • Hôm nay2,748
  • Tháng hiện tại119,410
  • Tháng trước1,740,996
  • Tổng lượt truy cập2,008,336
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây