Hoà Bình thuận lợi hơn trong hành trình phát triển toàn diện, bền vững khi triển khai hiệu quả các chủ trương trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS).
Và thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh, triển khai các ứng dụng nền tảng công dân số và thúc đẩy phổ cập chữ ký số (CKS) chính là một sự ghi nhận tích cực về những quyết tâm, nỗ lực của tỉnh trong mục tiêu chung trở thành một địa phương “số” vận hành trên nền hành chính “số” toàn diện.
Thể hiện rõ cho các mục tiêu, triển khai chủ trương quan trọng này, mới đây, Sở TT&TT Hoà Bình đã phối hợp với Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT và các doanh nghiệp (DN) nền tảng số tổ chức hội nghị về nội dung quan trọng trên.
Nhấn mạnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện, ông Bùi Đức Nam, Giám đốc Sở TT&TT Hoà Bình cho biết, việc triển khai ký số trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) sẽ góp phần làm thay đổi căn bản phương thức làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước, tăng hiệu quả làm việc, quản lý, tăng tính minh bạch trong hoạt động giải quyết TTHC.
Hơn nữa, khi triển khai, thực hiện tốt việc ký số, các cán bộ CQNN sẽ xử lý hồ sơ nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đồng thời, nâng cao tính an toàn, an ninh thông tin khi hồ sơ được xử lý khép kín trên môi trường điện tử.
Đặc biệt, việc số hóa sẽ giúp các CQNN bóc tách dữ liệu, bảo đảm dữ liệu được lưu trữ đầy đủ, từ đó từng bước xây dựng, hoàn thiện giải pháp tích hợp, chia sẻ, kết nối liên thông trên hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu (CSDL) Một cửa điện tử tỉnh tích hợp với CSDL quốc gia và chuyên ngành; hướng tới hình thành CSDL “đủ, đúng, sạch, sống”.
Cũng theo Giám đốc Sở TT&TT Hoà Bình, sự kiện là dịp hướng đến hưởng ứng mẽ Kỷ niệm ngày CĐS (10/10), cũng như thể hiện quyết tâm cao của toàn tỉnh về việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển về kinh tế số và xã hội số của tỉnh.
Giám đốc Sở TT&TT Hoà Bình cũng cho biết thêm, ứng dụng Công dân số Hòa Bình đã cơ bản hoàn thiện và đang được chạy trên các nền tảng thiết bị di động thông minh. Thông qua ứng dụng, đây chính là kênh tương tác chính thống giữa chính quyền với người dân và DN trên môi trường số; góp phần tăng cường tính minh bạch, hiện đại hóa nền hành chính, giúp CQNN thực hiện tốt và hiệu quả hơn nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước trên các lĩnh vực; nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, DN và kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm…
“Đặc biệt, ứng dụng Công dân số Hòa Bình là nền tảng Công dân số đầu tiên dành riêng cho tỉnh Hòa Bình. Đây chính là bước đi chiến lược trên con đường xây dựng và phát triển trụ cột xã hội số của tỉnh, với mục tiêu tạo ra không gian số an toàn, thuận tiện giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân trên địa bàn tỉnh”, Giám đốc Sở TT&TT Hoà Bình nhấn mạnh.
Nói về việc triển khai phổ cập CKS hiện nay, Giám đốc Bùi Đức Nam cho rằng, đây là một phương thức dùng mới, đóng vai trò quan trọng trong việc xác nhận, đảm bảo về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia ký kết văn bản hay giao dịch điện tử.
Hơn nữa, việc phổ cập CKS hiện về lâu dài sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, góp phần quan trọng vào xây dựng công dân số, tạo nền tảng cho một xã hội số bền vững. Và cũng vì điều này, Chính phủ đã giao Bộ TT&TT chỉ đạo các DN cung cấp dịch vụ CKS công cộng; cung cấp miễn phí CKS cá nhân cho người dân khi thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.
Từ các giá trị, lợi ích to lớn được tạo ra nêu trên, Giám đốc Bùi Đức Nam cho rằng muốn gặt hái được những kết quả tích cực thực chất, hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, các các DN công nghệ đảm bảo triển khai cung cấp CKS miễn phí cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo đúng cam kết với tỉnh Hòa Bình.
“Các DN phối hợp cùng các đơn vị, CQNN có liên quan bố trí nhân lực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn cung cấp CKS miễn phí và hướng dẫn sử dụng CKS cho người dân”, Giám đốc Bùi Đức Nam nhấn mạnh./.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn