Dữ liệu là nền tảng cho thế hệ dịch vụ công (DVC) tiếp theo. Đối với các tổ chức khu vực công ngày nay, dữ liệu đã trở thành một tài sản quý giá.
Theo Trung tâm Dữ liệu, Đạo đức và Đổi mới (CDEI) - Vương Quốc Anh, dữ liệu là “tài sản quý giá của chính quyền địa phương”, giúp họ đưa ra quyết định tốt hơn, phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn và tạo sự minh bạch cao hơn cho người dân.
Báo cáo của CDEI khẳng định đại dịch COVID-19 vừa qua là chất xúc tác đã thúc đẩy đáng kể việc sử dụng dữ liệu trong các cơ quan chính phủ, chẳng hạn như sử dụng thông tin ở cấp chính quyền địa phương để xác định những cư dân dễ bị tổn thương vì đại dịch hoặc ngăn chặn các đợt bùng phát tại địa phương.
Thực tế, khu vực công nắm giữ một lượng dữ liệu đặc biệt. Tuy nhiên, các tổ chức khu vực công nói chung vẫn chưa nhận ra đầy đủ giá trị của dữ liệu mà họ có thể sử dụng. Để đạt được sự trưởng thành về dữ liệu, khu vực công cần cải thiện quản trị dữ liệu và hiểu biết về dữ liệu của người dân. Nếu làm được điều này, họ có thể đạt được một số mục tiêu, bao gồm thúc đẩy hiệu quả, giảm chi phí, tăng cường bảo mật dữ liệu, đảm bảo đạo đức dữ liệu và hợp lý hóa các dịch vụ của khu vực công.
Tại sao dữ liệu của khu vực công hiện không được sử dụng nhiều và làm cách nào để vượt qua những thách thức về dữ liệu?
Kiểm soát ranh giới giữa việc không vi phạm quy định về dữ liệu và quá thận trọng khi sử dụng dữ liệu
Chiến lược dữ liệu cụ thể giúp cải thiện tất cả các lĩnh vực của tổ chức khu vực công bằng cách cung cấp sự hiểu biết sâu sắc hơn về những vấn đề có thể cải tiến, giảm thiểu rủi ro và mang lại giá trị hữu hình.
Ngày nay, các DVC phải đối mặt với thách thức dữ liệu lớn, phạm vi rộng, phức tạp và được kết nối với nhau. Phần lớn điều này xuất phát từ những thách thức khi xử lý dữ liệu cá nhân và tiết lộ dữ liệu đó trên quy mô lớn. Nguy cơ dữ liệu chồng chéo, không chính xác xảy ra nếu không có biện pháp kỹ thuật bảo vệ phù hợp, cũng như xảy ra vi phạm quyền riêng tư, chẳng hạn như dữ liệu bị rò rỉ, sử dụng vào những mục đích sai trái, khi khâu tổ chức truyền dữ liệu quá lỏng lẻo.
Khi chia sẻ dữ liệu, các tổ chức thuộc khu vực công cũng gặp rủi ro pháp lý do vi phạm các quy định về dữ liệu. Văn phòng Nội các Anh từng bị phạt 500.000 bảng Anh vì rò rỉ dữ liệu vi phạm luật bảo vệ dữ liệu.
Do đó, trước khi chia sẻ dữ liệu, khu vực công phải xem xét tuân thủ tổng thể luật bảo vệ dữ liệu và đánh giá mọi rủi ro với chiến lược dữ liệu đã lên kế hoạch để hạn chế nguy cơ vi phạm dữ liệu, đồng thời thúc đẩy niềm tin của công chúng vào kế hoạch chia sẻ dữ liệu.
Mặc dù những loại rủi trên là điều có thật, song theo Caroline Carruthers, nhà lãnh đạo dữ liệu nổi tiếng toàn cầu, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty tư vấn dữ liệu Carruthers + Jackson cho rằng điều đáng tranh cãi hơn nữa là khu vực công đôi khi quá thận trọng khi tiếp cận dữ liệu, đến mức bỏ lỡ những lợi ích quan trọng của dữ liệu.
Theo Caroline Carruthers, với dữ liệu, thực sự cần phải đổi mới để đảm bảo chiến lược hiệu quả nhất có thể, vì vậy, một vấn đề lớn trong khu vực công là các tổ chức có thể thận trọng quá mức do lo lắng về những gì có thể xảy ra. Thận trọng và sử dụng gói dữ liệu phù hợp là điều quan trọng, nhưng các ranh giới cũng cần được đẩy mạnh để khai thác toàn bộ sức mạnh của dữ liệu công cộng.
Với chiến lược phù hợp, việc chia sẻ dữ liệu có thể được quản lý chính xác để giảm thiểu rủi ro. Khu vực công chỉ cần hiểu rõ các quy định mới nhất, đồng thời không làm phức tạp hóa các quy định. Điều rõ ràng nhất cần nhớ là Quy định bảo mật dữ liệu (GDPR) châu Âu yêu cầu các tổ chức giải thích cách họ xử lý và sử dụng dữ liệu. Điều này có nghĩa là dữ liệu chỉ được sử dụng vì những lý do được trình bày rõ ràng.
Về cơ bản, chìa khóa để hiểu quy định GDPR nhằm tránh sai lầm là cải thiện khả năng hiểu biết về dữ liệu để thúc đẩy chiến lược dữ liệu hiệu quả và phối hợp giữa các đơn vị.
Chiến lược quản lý dữ liệu lớn
Thật không may, các tổ chức khu vực công hiện thiếu nền tảng và hiểu biết về dữ liệu cần thiết để thực hiện các dự án chuyển đổi dữ liệu một cách hiệu quả. Trong Chỉ số trưởng thành dữ liệu gần đây của Carruthers + Jackson, khảo sát hàng trăm nhà lãnh đạo dữ liệu trên khắp thế giới đã phát hiện ra rằng 64% các nhà lãnh đạo dữ liệu ở cả khu vực công và tư nhân tin rằng hầu như không có nhân viên nào của họ có kiến thức về dữ liệu.
Điều này cho thấy các tổ chức thuộc khu vực công cần nhận thức rõ hơn về các mối đe dọa, lưu trữ và chiến lược dữ liệu. Để chiến lược dữ liệu hiệu quả, các tổ chức công phải có khả năng trả lời các câu hỏi cơ bản như tại sao dữ liệu có giá trị và đặc biệt trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với dữ liệu là gì.
Theo Jeff Hewitt, Giám đốc Điều hành phụ trách về các dịch vụ chính quyền địa phương tại hãng phần mềm DVC Civica, công ty có trụ sở tại London (Vương quốc Anh) và chi nhánh tại Úc, Singapore và Bắc Mỹ, cho rằng các tập dữ liệu lớn có thể khó quản lý nếu không được kết nối và tổ chức đúng cách. Vì thế, các tổ chức thuộc mọi quy mô sẽ phải đối mặt với những vấn đề đau đầu khi làm việc với dữ liệu ở các định dạng khác nhau trên các hệ thống khác nhau, chẳng hạn như trên sự kết hợp của các loại dữ liệu cấu trúc và phi cấu trúc, trên bảng tính và tài liệu giấy ….
“Nghiên cứu của chúng tôi về các chuyên gia khu vực công cho thấy 85% tin rằng dữ liệu bị thiếu, không đầy đủ hoặc không chính xác sẽ tác động tiêu cực đến trải nghiệm của người dùng. Chính vì vậy, xu hướng di chuyển sang hệ thống đám mây đã được các tổ chức thực hiện - một động thái đòi hỏi dữ liệu sạch và được tổ chức tốt thì mới cho ra đời những dịch vụ công thành công”, Jeff Hewitt nói.
Câu trả lời cho vấn đề đau đầu về quản lý tệp dữ liệu lớn là phải sắp xếp, kiểm soát dữ liệu tổng thể một cách hiệu quả - việc quản lý dữ liệu sẽ giúp dữ liệu liên tục được làm sạch và đảm bảo duy trì dữ liệu đồng nhất cho các hệ thống khác nhau được kết nối cùng nhau, để cung cấp một cơ sở dữ liệu thông suốt và duy nhất về người dân. Điều này sẽ giúp phục vụ tốt cho các DVC trực tuyến của chính quyền địa phương hoạt động suôn sẻ.
Xây dựng nền tảng dữ liệu vững chắc
Vậy, chính quyền địa phương và các tổ chức khu vực công khác có thể làm gì để đảm bảo dữ liệu của họ có giá trị và được khai thác tốt?
Lời khuyên được đưa ra là hãy lấp đầy khoảng trống về kỹ năng. Điều này có nghĩa là trang bị cho các nhà lãnh đạo và chủ sở hữu dịch vụ những kỹ năng dữ liệu rộng hơn. Với giá trị to lớn khi các quy trình được tự động hóa dựa trên dữ liệu - và những hậu quả tiềm ẩn nếu hệ thống dữ liệu gặp trục trặc - các tổ chức thuộc khu vực công phải thu hút nhân tài cần thiết để quản lý dữ liệu một cách hiệu quả.
Ngoài quản lý dữ liệu khoa học, còn phải đảm bảo các bên liên quan biết dữ liệu của họ đang được sử dụng như thế nào và cho mục đích gì. Báo cáo “Mở khóa giá trị dữ liệu chăm sóc sức khỏe” (Unlocking the Value of Healthcare Data) của Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) đã đề xuất một chiến dịch truyền thông cụ thể, giải thích cách dữ liệu sẽ được sử dụng, những đơn vị nào sẽ sử dụng.
Báo cáo cũng khuyến nghị nhấn mạnh việc chuyển từ chia sẻ dữ liệu sang 'truy cập dữ liệu', một mô hình trong đó dữ liệu được lưu trữ trên nền tảng an toàn thay vì được chuyển cho các bên bên ngoài.
Một vấn đề quan trọng cần lưu ý đó là đảm bảo dữ liệu chính xác, đầy đủ, không trùng lặp và luôn được cập nhật. Làm sạch dữ liệu là bước đầu tiên để có được một kho lưu trữ dữ liệu đáng tin cậy, duy nhất có thể được quản lý dễ dàng và kiểm tra tính phù hợp và sai lệch.
Civica đang hợp tác với Cảnh sát Scotland trong một chương trình dữ liệu quan trọng để tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, loại bỏ hồ sơ trùng lặp, cung cấp phân tích dữ liệu nâng cao và trình bày một cơ sở dữ liệu duy nhất về một người hoặc địa điểm trong khi tuân thủ tất cả các cân nhắc và yêu cầu về pháp lý và đạo đức. Dữ liệu chất lượng cao này hỗ trợ tốt hơn cho việc ra quyết định của nhân viên và cảnh sát.
Những lĩnh vực trọng tâm này có thể giúp biến dữ liệu thành tài sản thực sự - nền tảng vững chắc để đưa ra quyết định chính sách hiệu quả hơn và cải thiện các DVC dựa trên dữ liệu.
Các chính quyền địa phương phải đưa ra vô số quyết định mỗi ngày - từ cách phân bổ ngân sách đến chính sách nào cần ưu tiên. Những quyết định này phần lớn có thể được cải thiện bằng cách truy cập vào dữ liệu chất lượng cao. Quản lý dữ liệu tốt có thể tạo ra lợi ích xã hội, từ giảm ô nhiễm đến cải thiện theo dõi các đợt bùng phát dịch bệnh, giảm chi phí và thay đổi trải nghiệm của người dân.
Bằng cách nâng cao hiểu biết về quản lý dữ liệu, khu vực công có thể đạt được sự chuyển đổi dữ liệu thành công./.
Tác giả: Theo Openaccessgovernment, Datanami Link bài gốcCopy Link
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn