Chuyển đổi số ở Tân Uyên
Nhớ lại thời điểm năm học 2020-2021 và 2021-2022, do tác động của dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, Trường Tiểu học số 1 và THCS thị trấn Tân Uyên đã linh hoạt chuyển hình thức dạy học trực tiếp sang trực tuyến. Trong năm học 2022-2023, Trường THCS thị trấn Tân Uyên tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho học sinh giao lưu tiếng Anh quốc tế với 6 nước trên thế giới (Nga, Ấn Độ và một số nước khác).
Hiện, toàn huyện có 32 trường mầm non, tiểu học, THCS có mạng internet đảm bảo phục vụ tại điểm trường trung tâm và một số điểm trường lẻ. Các đơn vị trường được trang bị phòng học đa chức năng, hệ thống máy chiếu, máy tính, các phương tiện dạy học phục vụ giảng dạy và học tập. Các trường được trang cấp 18 phòng học trực tuyến, 10 phòng đa chức năng, 21 trường có phòng tin học. Có tổng số 613 máy tính, 267 máy chiếu và máy chiếu đa vật thể.
Theo đồng chí Hà Trọng Tuấn - Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện thì việc ứng dụng CNTT trong giáo dục đã giúp học sinh được tiếp cận phương pháp dạy học mới hấp dẫn, những kỹ năng tin học cần thiết. Đây sẽ là nền tảng và là sự trợ giúp đắc lực giúp các em trau dồi thêm kỹ năng và sự sáng tạo sau này.
Ứng dụng CNTT trong dạy học vào soạn giảng, dạy học trực tuyến, giao lưu chuyên môn trực tuyến còn giúp giáo viên nâng cao tính sáng tạo và linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy; khắc phục phần nào tình trạng khó khăn về đồ dùng thiết bị dạy học. Dù có những khó khăn, bất cập nhất định, song việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy đã từng bước mở ra kiến thức mới trong áp dụng công nghệ số cho cả thầy cô và học sinh ngành GD&ĐT huyện Tân Uyên.
Còn đối với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện, để đáp ứng yêu cầu tinh giản nhân lực, đảm bảo điều hành các trạm phát sóng truyền thanh không dây, từ tháng 9/2022, trung tâm thực hiện thí điểm mô hình truyền thanh thông minh (TTTM). Anh Hoàng Ngọc Lân - Giám đốc Trung tâm khẳng định: Phần mềm quản lý khai thác dịch vụ tập trung cài đặt trên hệ thống máy chủ điện toán đám mây, đảm bảo các tiêu chuẩn khai thác, bảo mật 24/7 mà không giới hạn thời gian sử dụng và số lượng thiết bị.
Phần mềm TTTM có thể phân quyền truy cập sử dụng hệ thống; phân luồng phát thông báo theo các cấp chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn. Thực hiện thử nghiệm lắp đặt 22 cụm TTTM tại trạm phát sóng ở 3 xã: Tà Mít (vùng xa nhất của huyện), Nậm Cần (khu vực giữa huyện) và Mường Khoa (vùng thượng huyện). Huyện Tân Uyên có 11 trạm phát sóng phục vụ công tác thông tin tuyên truyền tại 10 xã, thị trấn có đài truyền thanh không dây nhưng chưa mang lại hiệu quả cao, do vậy việc lắp đặt hệ thống TTTM sử dụng công nghệ IP để truyền dẫn và nhận bản tin phát thanh qua mạng Internet, sóng 3G/4G có ý nghĩa rất lớn.
UBND huyện đã tham mưu Huyện ủy ban hành kế hoạch và cụ thể hóa về thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn huyện Tân Uyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, toàn huyện có trên 95% văn bản của các cơ quan Nhà nước các cấp được trao đổi trên môi trường mạng (trừ văn bản mật); 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính phục vụ công việc và có trình độ ứng dụng CNTT cơ bản; 100% các xã, thị trấn có đường truyền internet băng rộng. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành (QLVBĐH) dùng chung được triển khai cho tất cả các cơ quan Nhà nước thuộc UBND huyện, xã, đảm bảo liên thông 4 cấp: trung ương, tỉnh, huyện, xã. Tỷ lệ cơ quan thực hiện kết nối, liên thông phần mềm QLVBĐH từ cấp huyện, cấp xã đạt 100%.
Để từng bước thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện, trong năm 2022, UBND huyện đã thực hiện quyết liệt trong việc sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Thực hiện rà soát, đề nghị cấp mới 57 chứng thư số cho cá nhân, 1 chứng thư số cho tổ chức. 100% cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện được cấp chứng thư số; 321 cán bộ, công chức, viên chức được cấp địa chỉ hộp thư công vụ tỉnh Lai Châu (tăng 150 người so với năm 2021); 163 cá nhân được cấp thiết bị ký số (100% lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức kế toán, công chức thực hiện Đề án 06. Trong đó, chỉ có công chức, viên chức kế toán đang sử dụng chữ ký số công cộng). Tỷ lệ văn bản đi ký số là 86,2% (tăng 13,3% so với năm 2021).
Những con số thuyết phục kể trên đã chứng minh công cuộc chuyển đổi số ở Tân Uyên thực hiện rộng khắp, đồng đều. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc huyện quan tâm đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị, đáp ứng yêu cầu sử dụng CNTT. Từ đó, không chỉ phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển toàn diện, mà Tân Uyên cũng không bị tụt hậu trước làn sóng công nghệ đang chảy như vũ bão hiện nay.
Tác giả: Thu Trang
Nguồn tin: baolaichau.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Đang truy cập262
- Hôm nay4,451
- Tháng hiện tại36,294
- Tháng trước176,560
- Tổng lượt truy cập1,611,579