Ngành Thông tin và Truyền thông Lai Châu với công cuộc chuyển đổi số

Thứ hai - 29/08/2022 18:16
Chuyển đổi số (CĐS) hiện nay là xu thế không thể đảo ngược trên toàn thế giới. Việt Nam đang thực hiện chương trình CĐS quốc gia với nhiều chương trình, hoạt động cụ thể, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, Lai Châu cũng là một trong những địa phương đẩy mạnh và coi CĐS là nhiệm vụ đột phá, quan trọng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. CĐS đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, trong đó ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lai Châu có vai trò quan trọng trong công cuộc CĐS, là cơ quan chuyên môn dẫn dắt và tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện về công tác CĐS trên địa bàn tỉnh.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về CĐS của tỉnh, Sở TT&TT tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 25/2/2022 về Chương trình CĐS tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết số 09-NQ/TU thể hiện rõ quyết tâm của người đứng đầu trong việc xác định CĐS là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, nghị quyết cũng nêu rõ định hướng đến năm 2030 những mục tiêu, nhiệm vụ phải thực hiện để có thể CĐS thành công. Đây chính là định hướng cốt lõi nhất trong công cuộc CĐS của tỉnh.
Để cụ thể hóa các nhiệm vụ trong nghị quyết, Sở cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 983/QĐ-UBND ngày 4/8/2022 về việc ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Lai Châu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án nêu rõ nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, địa phương cần làm để thực hiện CĐS, đảm bảo CĐS được đồng bộ, hiệu quả hướng tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, hình thành và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh.

Ban Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh.

Ban Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh.

Bên cạnh các chính sách về CĐS thì các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh cũng đã kiến tạo hạ tầng số cơ bản phục vụ cho CĐS như: trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.060km cáp, trong đó có khoảng 2.910km cáp treo chiếm tỷ lệ 95,1%; 150km cáp ngầm chiếm tỷ lệ khoảng 4,9%; 556 vị trí cột thu phát sóng, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,3km/cột. Hạ tầng mạng thông tin di động trên địa bàn tỉnh hiện tại được xây dựng, phát triển theo 3 công nghệ chính: 2G, 3G và 4G. Trạm 2G chiếm tỷ lệ 32,7%, trạm 3G chiếm tỷ lệ 33,9% và trạm 4G chiếm tỷ lệ 33,4%. Các nhà mạng di động đã phủ sóng di động 2G/3G/4G đến 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, 96% số bản được phủ sóng 2G, 92% số bản được phủ sóng 3G, 76% số bản được phủ sóng 4G, đảm bảo cung cấp kết nối mạng mọi lúc, mọi nơi, với 1.857 trạm phát sóng thông tin di động.
Về các ứng dụng và dịch vụ số dùng chung của tỉnh để phục vụ xây dựng chính quyền số, Sở TT&TT tham mưu cho tỉnh triển khai đồng bộ liên thông 3 cấp chính quyền và kết nối với các cơ quan bộ, ngành, Trung ương như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành với 698 cơ quan, 8.200 tài khoản; hệ thống thư công vụ với 6.345 hòm thư; 2.891 chữ ký số cho các cá nhân, tổ chức; hệ thống fanpage của tỉnh với 27 nghìn người theo dõi; hệ thống báo cáo, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, hệ thống họp không giấy tờ… Đây cũng là một nền tảng quan trọng để dẫn dắt ngay việc CĐS trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Để đảm bảo việc CĐS diễn ra thành công, hiệu quả trong khi tình hình an toàn, an ninh thông tin diễn biến ngày càng phức tạp, nguy hiểm, ngành TT&TT luôn định hướng việc CĐS không thể tách rời việc đảm bảo an toàn thông tin. Vì vậy, cùng với các doanh nghiệp công nghiệp số, các sở, ban, ngành địa phương, sở đã thành lập đội ứng cứu sự cố đảm bảo ứng phó kịp thời với các sự cố an toàn an ninh mạng xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Sở TT&TT cũng định hướng cụ thể phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đầu tư hiệu quả, mang lại lợi ích nhiều nhất cho doanh nghiệp và người dân. Một số ngành định hướng ưu tiên CĐS trong giai đoạn này như: Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp, Giao thông Vận tải và Logistics, Tài nguyên và Môi trường, Năng lượng và Sản xuất công nghiệp, Tài chính - Ngân hàng, Du lịch.
Cùng với việc dẫn dắt CĐS cho tỉnh, việc CĐS trong chính ngành TT&TT cũng giữ vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự phát triển đi lên của ngành, cụ thể như CĐS trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Trước hết chính là việc sử dụng các công cụ, giải pháp công nghệ số để đổi mới mô hình, cách thức tác nghiệp, sản xuất, phân phối nội dung theo hướng tối ưu hóa mô hình tổ chức hoạt động của các cơ quan báo chí truyền thông. Đây là hoạt động ứng dụng công nghệ số để làm mới quy trình truyền thống trong sáng tạo và phân phối cũng như hưởng thụ các sản phẩm và dịch vụ báo chí truyền thông. Các đơn vị, chủ thể hoạt động trong lĩnh vực báo chí truyền thông, dưới sự quản lý Nhà nước và định hướng của Sở TT&TT đã thực hiện số hóa thông tin liên quan đầu vào của hoạt động báo chí truyền thông và số hóa các quy trình tác nghiệp, đồng thời chuyển đổi thông tin trên giấy và các quy trình thủ công thành định dạng kỹ thuật số, sử dụng công cụ kỹ thuật số để tự động hóa và cải thiện cách làm việc hiện tại. Đây được xem là bước khởi đầu của quá trình CĐS. Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh đang từng bước thực hiện.
Để đẩy mạnh CĐS trong bưu chính, Sở TT&TT đã hỗ trợ doanh nghiệp bưu chính trong việc tạo và kết nối dữ liệu với các sàn thương mại điện tử và các đối tác trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng số cho các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng số để quảng bá sản phẩm, mở rộng kênh tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh doanh... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, phát triển thị trường bưu chính trên địa bàn tỉnh theo hướng bảo đảm cung cấp công bằng, ổn định, có chất lượng các dịch vụ bưu chính công ích tới mọi người dân; mở rộng hệ sinh thái, không gian hoạt động mới, thúc đẩy phát triển kinh tế số và tham gia góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong cuộc cách mạng 4.0, viễn thông có xu hướng trở thành ngành Công nghiệp số lớn, bởi ngành này tạo ra hạ tầng số cơ bản nhất cho CĐS. Dưới sự định hướng của ngành TT&TT cũng như xu thế của thời đại, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh như: VNPT, Viettel, Mobifone đang dần chuyển dịch hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, chuyển dịch từ viễn thông thoại sang data, phổ cập smartphone, phổ cập 5G và triển khai rộng rãi mobilemoney.
Với sự thay đổi mạnh mẽ về kỹ thuật số trong lĩnh vực viễn thông, từ việc phát minh ra mạng 5G để hỗ trợ các ứng dụng của IoT, thu thập - phân tích dữ liệu lớn hay AI vào các loại hình dịch vụ viễn thông đến các dịch vụ điện toán đám mây, có thể thấy rõ ràng lĩnh vực viễn thông đang CĐS nhanh hơn bao giờ hết.
Như vậy, CĐS trong nội tại ngành TT&TT cũng như vai trò dẫn dắt về CĐS của ngành nói chung là 2 nội dung song hành không thể tách rời, có mối quan hệ chặt chẽ, thúc đẩy nhau và khẳng định được vai trò quan trọng của ngành TT&TT trong công cuộc CĐS của tỉnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Thống kê
  • Đang truy cập34
  • Hôm nay5,236
  • Tháng hiện tại121,990
  • Tháng trước1,740,996
  • Tổng lượt truy cập2,010,916
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây