Phấn đấu tỷ lệ tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2021 đạt tối thiểu 65% trở lên
Lai Châu hiện đang đứng trong top 5 tỉnh có tỷ lệ tích hợp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) lên Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia cao nhất trong cả nước. Theo kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, Lai Châu tăng 6 bậc so với năm 2019. Những kết quả này cho thấy Lai Châu đang nỗ lực đẩy mạnh xây dựng CQĐT đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội
Cung cấp DVCTT là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) khi lấy người dân là trung tâm. DVCTT phải được cung cấp đến mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước (CQNN) được minh bạch, hiệu quả, góp phần phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính toàn diện.
Lai Châu hiện đang đứng trong top 5 tỉnh có tỷ lệ tích hợp DVCTT lên Cổng DVC quốc gia cao nhất trong cả nước. (Ảnh: TL) |
Theo UBND tỉnh Lai Châu, Cổng DVCTT tích hợp một cửa điện tử cung cấp 2.092 DVCTT, trong đó mức độ 3 là 426, mức độ 4 là 510, với tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết là 7.432 hồ sơ. 26% DVCTT mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động, đạt 87% kế hoạch giai đoạn 2020 - 2025.
Để tiếp tục đẩy mạnh cung cấp DVCTT góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng CQĐT, cải cách hành chính (CCHC), tỉnh Lai Châu đã và đang tiếp tục đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; tích hợp, cung cấp DVCTT trên Cổng DVC quốc gia; đưa toàn bộ các DVCTT lên mức độ 3, 4; Thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết TTHC theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ.
Tỉnh quyết tâm vượt chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/1/2021 của Chính phủ với các chỉ tiêu cụ thể như: Phấn đấu tỷ lệ tích hợp lên Cổng DVC quốc gia năm 2021 đạt tối thiểu 65% trở lên; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của DVC đạt 25%; tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia đạt 50%; 100% kết quả xử lý hồ sơ được đồng bộ đầy đủ trên Cổng DVC quốc gia; 100% hồ sơ của hệ thống một cửa điện tử được đồng bộ trạng thái trên Cổng DVC quốc gia.
Tỉnh Lai Châu cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng, gửi, nhận văn bản điện tử; tăng cường triển khai ứng dụng CNTT, chữ ký số cá nhân; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC; thường xuyên đối thoại, lấy ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, gây cản trở, khó khăn cho hoạt động kinh doanh; tăng cường truyền thông và quảng bá hiệu quả về DVCTT để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích mang lại từ việc sử dụng DVCTT.
VNPT đồng hành cùng Lai Châu chuyển đổi số, xây dựng CQĐT
Để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Lai Châu xây dựng CQĐT, chuyển đổi số (CĐS) và xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) giai đoạn 2021-2025, Tập đoàn VNPT vừa được UBND tỉnh Lai Châu tiếp tục lựa chọn là đối tác chiến lược về viễn thông - công nghệ thông tin (VT-CNTT).
Theo biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Lai Châu và Tập đoàn VNPT, giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Lai Châu và VNPT sẽ cùng hỗ trợ lẫn nhau trong việc đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông, mở rộng, nâng cao chất lượng phủ sóng điện thoại di động, Internet, ứng dụng CNTT để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số (CĐS), xây dựng CQĐT phát triển chính quyền số và đô thị thông minh (ĐTTM trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 cho tỉnh Lai Châu.
VNPT cũng sẽ kết hợp với sự hỗ trợ của quỹ dịch vụ viễn thông công ích, từng bước triển khai đồng bộ hạ tầng viễn thông trên địa bàn Lai Châu, dần xóa các điểm lõm chưa có sóng điện thoại di động, Internet, tiến tới đảm bảo 100% các thôn, bản, tuyến đường được phủ sóng. Đặc biệt, ưu tiên triển khai bổ sung hạ tầng cáp quang và mở rộng vùng phủ sóng di động, Internet đối với các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch, các điểm du lịch, nơi sản xuất tập trung; các thôn, bản thuộc vùng trọng yếu về quốc phòng - an ninh của 22 xã biên giới; Hợp tác tham gia xây dựng và triển khai các giải pháp CNTT với công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện, cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc triển khai CĐS; các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin theo quy định của pháp luật.
Với sự hợp tác này, VNPT cũng sẽ hỗ trợ Lai Châu thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; Hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT; Hợp tác triển khai thí điểm các nhiệm vụ trong Chương trình CĐS xã thông minh tại một số xã trên địa bàn tỉnh, nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương đến với mọi người; Hỗ trợ triển khai xây dựng CQĐT, Chính quyền số và ĐTTM, trong đó ưu tiên triển khai các giải pháp nền tảng số, hạ tầng số, các hệ thống thông tin dùng chung và các cơ sở dữ liệu của tỉnh, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của tỉnh Lai Châu…
Ông Phạm Đức Long - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT chia sẻ: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đề ra một trong những định hướng lớn để phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, đó là đẩy mạnh CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Theo đó, với mong muốn luôn là đối tác chiến lược đáng tin cậy của tỉnh Lai Châu trong sự phát triển lâu dài và bền vững, VNPT sẽ tập trung triển khai các nội dung trong Biên bản ghi nhớ, đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp xây dựng CQĐT, ĐTTM và CĐS./.
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn