Thành phố Lai Châu tích cực chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục

Thứ hai - 08/05/2023 19:55
Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Lai Châu chú trọng công tác chuyển đổi số, tập trung chuyển đổi số trong quản lý, dạy học và kiểm tra, đánh giá. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường học.

Năm 2023, tạo chuyển biến mạnh về chuyển đổi số được ngành GD&ĐT thành phố xác định là nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm nhằm chủ động ứng phó, sẵn sàng chuyển trạng thái dạy học trong mọi điều kiện. Thực hiện nhiệm vụ đó, ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học thông qua tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu sử dụng của cán bộ, giáo viên và học sinh, sử dụng các thiết bị công nghệ, các phần mềm thiết kế bài giảng để hỗ trợ việc dạy và học.

Để thực hiện có hiệu quả, ngành đã tổ chức các hội nghị, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên cốt cán về chuyển đổi số; thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số của ngành và các đơn vị nhà trường.

Thực hiện chuyển đổi số theo định hướng của ngành, Trường Mầm non Hoa Sen mạnh dạn thực hiện chuyển đổi số trong chăm sóc, giáo dục trẻ và đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Nhà trường đầu tư trang bị máy tính, tivi, mạng internet. Hiện nay, 100% giáo viên sử dụng giáo án điện tử, chữ ký số, các kế hoạch, văn bản điều hành, chỉ đạo của ban giám hiệu đều sử dụng bằng văn bản mềm. Hàng ngày, các cô giáo thực hiện việc chấm ăn, theo dõi sĩ số bằng hình thức online tại các lớp.

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Trường Mầm non Hoa sen chia sẻ: Là giáo viên trực tiếp giảng dạy, tôi luôn nêu cao tinh thần tự học để nâng cao nhận thức và hiểu được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục. Tôi chủ động đưa cơ sở dữ liệu trong giáo dục vào hoạt động phục vụ cho việc dạy và học của trẻ. Mạnh dạn tổ chức các tiết dạy dựa trên các thiết bị công nghệ, tiên tiến như các phương pháp: Montessori, steam và tổ chức các hoạt động trong ngày của trẻ, tạo cho trẻ hứng thú, thích tham gia các hoạt động của cô.

DSC05400 1679362050701
Trường THCS Đoàn Kết ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Thành phố Lai Châu có 23/30 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I, 13/30 trường đạt chuẩn mức độ 2. Toàn ngành có gần 800 giáo viên, tỷ lệ đạt chuẩn trên 85%. Hiện nay, các trường trên địa bàn thành phố được trang bị máy tính phục vụ quản lý và giảng dạy, các phòng máy tính được kết nối internet. Các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, giảng dạy và đánh giá học sinh. Phát huy hiệu quả phần mềm quản lý nhân sự, quản lý văn bản, giáo viên soạn bài giảng điện tử E-learning. Đội ngũ giáo viên tận dụng hiệu quả các thiết bị máy tính, máy chiếu các phần mềm dạy học phù hợp với từng cấp học, môn học và các đối tượng học sinh.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT thành phố Lai Châu đã từng bước phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Từ đó, phát huy tư duy sáng tạo, năng lực thực hành tin học, ngoại ngữ, kỹ năng của học sinh, xây dựng môi trường học tập thân thiện, tích cực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Chị Đặng Thị Nhài - Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Lai Châu cho biết: Thực hiện chuyển đổi số, phòng chỉ đạo các đơn vị nhà trường làm tốt công tác thông tin, truyền thông tới toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh nắm bắt được chủ trương, kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong ngành Giáo dục. Ngoài ra, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ở các đơn vị nhà trường về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các hoạt động chuyển đổi số theo kế hoạch chung của ngành cũng như của các cấp quản lý. Ngành cũng tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất để hỗ trợ cho các đơn vị nhà trường trong quá trình tổ chức thực hiện. 

Bên cạnh đó, để thay đổi thói quen nộp học phí, các khoản đóng góp từ trực tiếp sang sử dụng công nghệ số, Phòng GD&ĐT thành phố đã có văn bản hướng dẫn các nhà trường thực hiện. Phối hợp với các đơn vị cung cấp các ứng dụng, giải pháp công nghệ số... để hướng dẫn thực hiện các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học. Hầu hết, các trường học mầm non và tiểu học trên địa bàn thành phố đều thanh toán học phí không dùng tiền mặt.

Việc chuyển đổi số trong các trường học tuy mới bắt đầu nhưng đem lại hiệu quả rõ nét, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giúp giáo viên và học sinh tiếp cận với những thành tựu mới của khoa học - kỹ thuật trong xu thế hội nhập quốc tế.

Tác giả: Lại Viết

Nguồn tin: baolaichau.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Thống kê
  • Đang truy cập50
  • Hôm nay6,553
  • Tháng hiện tại104,349
  • Tháng trước164,742
  • Tổng lượt truy cập1,844,376
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây