Ứng dụng 5G mở ra nhiều cơ hội mới cho cảng biển, nhà máy ở Việt Nam
Ứng dụng 5G mở ra nhiều cơ hội mới cho cảng biển, nhà máy ở Việt Nam
Hạ tầng số đã trở thành hạ tầng chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội, mở ra cơ hội, không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp, trong đó hạ tầng 5G được coi động lực chính thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế trong tương lai.
5G - Hạ tầng số cốt lõi
Theo báo cáo của Hiệp hội Viễn thông toàn cầu (GSMA), 5G sẽ mang lại hơn 930 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030. Lợi ích của 5G sẽ tập trung vào một số nhóm ngành chính như sản xuất công nghiệp (36%), hành chính công (15%), dịch vụ (10%), công nghệ thông tin và truyền thông (9%), tài chính (8%),..
Trên thực tế, mỗi quốc gia lại có một cách đi riêng trong việc thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ 5G. Hoa Kỳ đã đầu tư 1,5 tỷ USD để thúc đẩy phát triển 5G và hỗ trợ thuế cho đơn vị xây dựng các tiêu chuẩn.
Tại châu Âu cũng đã xuất hiện các dự án thử nghiệm 5G như dự án smartPORT - cảng thông minh Hamburg (Đức). Vương quốc Anh đã đầu tư 40 triệu bảng cho công nghệ 5G phục vụ trong sản xuất.
Tại châu Á, Hàn Quốc hiện hỗ trợ 2 - 3% về thuế cho việc phát triển 5G. Hàn Quốc còn triển khai các dự án thử nghiệm 5G, đầu tư vào các cụm cảng thông minh. Trong khi, Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch “Giăng buồm 2021 - 2023”, định hướng phát triển 5G cho các ngành dọc như sản xuất, cảng biển. Các địa phương cấp tỉnh của Trung Quốc cũng ban hành những chính sách cụ thể để hỗ trợ công nghệ này: như trợ giá xây dựng hạ tầng, phối hợp công - tư, giảm thiểu thủ tục hành chính, tổ chức thi đua,…
Tại Việt Nam, năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc triển khai 5G với việc đấu giá thành công các băng tần B1 (2.500 - 2.600 MHz), C2 (3.700 - 3.800 MHz) và C3 (3.800 - 3.900 MHz) cho các nhà mạng. Ngày 15/10, Viettel - DN viễn thông đầu tiên của Việt Nam triển khai thương mại hóa, chính thức cung cấp dịch vụ 5G.
Ứng dụng 5G trong sản xuất và cảng biển mở ra nhiều cơ hội mới
Chia sẻ tại Internet Day 2024, ông Ngô Mạnh Hùng, Giám đốc giải pháp 5G2B, Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp (DN) Viettel (Viettel Solutions), cho hay nhu cầu của các DN khi ứng dụng công nghệ mới là tăng năng suất, giảm thiểu các rủi ro, tối ưu chi phí cho hoạt động sản xuất.
Việc ứng dụng công nghệ kết nối mới như 5G sẽ giúp Việt Nam có thể bắt kịp với thế giới trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, cảng biển.
Theo vị chuyên gia này, tại các nhà máy, cảng biển, công nghệ 5G có thể ứng dụng trong việc kết nối các hệ thống camera thông minh nhằm giám sát hành vi của người lao động, cảnh báo kịp thời các nguy cơ mất an toàn lao động, an toàn sản xuất, an ninh trong nhà máy. Ứng dụng 5G và AI giúp tự động hóa kiểm tra chất lượng sản phẩm trong các lĩnh vực sản xuất: điện, ô tô, dược phẩm, thực phẩm, dệt may,…
Không chỉ vậy, ứng dụng cảm biến IoT qua kết nối 5G và nền tảng IoT còn giúp theo dõi, giám sát các hệ thống, thiết bị trong nhà máy, ngăn ngừa sự cố gây gián đoạn sản xuất, tăng hiệu suất thiết bị, giúp thực hiện việc bảo trì bảo dưỡng thiết bị một cách có kế hoạch.
Công nghệ 5G cũng được ứng dụng trong điều khiển các thiết bị cần cẩu cảng biển từ xa, cho phép nhân sự điều khiển nhiều cần cẩu đồng thời. trong môi trường văn phòng, giúp đảm bảo an toàn lao động, tăng hiệu suất và giảm chi phí. Một ứng dụng điển hình khác là xe tự hành cho vận chuyển hàng hóa trong cảng biến, nhà máy và nhà kho, giúp tự động hóa quy trình vận chuyển và tối ưu chí phí cũng như nguồn lực, giảm thiểu lỗi do con người, nâng cao độ chính xác trong quản lý hàng hóa.
Hay ứng dụng 5G và AI để thực hiện kiểm đếm trong quy trình xếp dỡ hàng hóa tại cầu trục. Hệ thống có thể nhận diện container, nhận diện mã con tainet, nhận diện vị trí xếp,… giúp kiểm điểm theo thời gian thực và tối ưu quy trình.
Tại Việt Nam, nhà máy Pegatron tại Hải Phòng là nhà máy thông minh đầu tiên tại Việt Nam được tự động hoá dựa trên kết nối của dịch vụ di động 5G với ưu thế tốc độ cao, độ trễ thấp, hỗ trợ nhiều kết nối. Cụ thể, nhà máy Pegatron tại Việt Nam đã ứng dụng 5G vào các công việc như: Giám sát dây chuyền sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm, ứng dụng AR/VR vận hành nhà máy, xe tự hành vận chuyển hàng hóa hay camera an ninh. Nhờ vậy nhà máy này đã giảm 50% nhân sự kiểm soát chất lượng sản phẩm, giảm 50% chi phí vật tư và lắp đặt trong triển khai kết nối và giảm 30% chi phí di chuyển và đào tạo.
Ông Ngô Mạnh Hùng cho biết, với vùng phủ 100% các thủ phủ 63/63 tỉnh/thành phố và 100% các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển,… Viettel đang sở hữu hạ tầng số lớn nhất Việt Nam (từ hạ tầng viễn thông, truyền dẫn, cáp quang biển, data center và cloud kết hợp với các giải pháp bảo mật).
Viettel đã sẵn sàng cho hệ sinh thái 5G2B (5G to Business) đa dạng, linh hoạt gồm hơn 100 giải pháp đáp ứng nhu cầu của 7 lĩnh vực trọng điểm quốc gia, gồm: sản xuất công nghiệp, đô thị thông minh, giao thông vận tải và logistics, nông nghiệp, y tế, giáo dục, năng lượng. Viettel đồng hành cùng các DN, tổ chức, mở ra “một cuộc sống mới”, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.
“Hạ tầng 5G là hạ tầng mở cho phép Viettel cùng hợp tác, phát triển ứng dụng chuyên ngành với các startup, công ty công nghệ, DN kết hợp cùng với các ứng dụng sẵn có để tạo ra hệ sinh thái 5G Viettel đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam”, ông Hùng khẳng định./.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Đang truy cập38
- Hôm nay4,443
- Tháng hiện tại21,383
- Tháng trước164,742
- Tổng lượt truy cập1,761,410