Hà Nội hình thành 2 - 3 khu đô thị thông minh
Hà Nội hình thành 2 - 3 khu đô thị thông minh
Thành phố sẽ thử nghiệm triển khai một số dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM) tại một số quận, huyện, gắn liền phát triển dịch vụ ĐTTM với phát triển chính quyền số.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng thành phố Hà Nội thông minh
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu, chuyển đổi số (CĐS) và xây dựng thành phố thông minh (TPTM) đã trở thành xu hướng chung mà các thành phố lớn trên thế giới đang hướng tới. Mới đây, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND về CĐS, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, một số nhiệm vụ, giải pháp đã được UBND thành phố đưa ra, nhằm xây dựng Hà Nội trở thành một TPTM, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Trước hết, Sở TT&TT Hà Nội sẽ là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thị xã và các đơn vị liên quan để hoàn thành xây dựng và triển khai Đề án xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Sở TT&TT sẽ nghiên cứu, rà soát, đề xuất hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp quy thuộc phạm vi, thẩm quyền của Thành phố về phát triển chính quyền số và xây dựng TPTM; các văn bản hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ thông tin về TPTM. Từ đó, các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp sẽ được nghiên cứu, đảm bảo tính khả thi để đề xuất đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi).
Ngoài ra, Sở Xây dựng sẽ nghiên cứu, xây dựng và tham mưu UBND Thành phố ban hành chính sách khuyến khích áp dụng và có lộ trình từng bước áp dụng các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định, hướng dẫn liên quan đến xây dựng phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và quản lý phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển ĐTTM.
Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động cho TPTM sẽ được xây dựng sau khi Bộ Xây dựng ban hành bộ tiêu chí đánh giá TPTM, áp dụng hiệu quả các giải pháp quản lý, mô hình thông tin công trình và các giải pháp công nghệ số trong phát triển và quản lý đô thị.
Thử nghiệm triển khai một số dịch vụ ĐTTM tại một số quận, huyện
Kế hoạch 239/KH-UBND chỉ rõ Công an Thành phố sẽ chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên toàn Thành phố một cách đồng bộ và hiệu quả, coi đây là một giải pháp quan trọng tạo tiền đề để CĐS, xây dựng TPTM, phát triển kinh tế số, xã hội số (KTS-XHS).
Sở TT&TT cũng sẽ tham mưu với UBND Thành phố cập nhật danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) thành phố khi có điều chỉnh, phát sinh, đồng thời phát triển dữ liệu mở của Thành phố, ban hành quy chế về quản lý, đảm bảo ATTT mạng của thành phố Hà Nội.
Đặc biệt, bộ chỉ số đánh giá CĐS của các cơ quan thuộc Thành phố sẽ được xây dựng. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới nhất về dữ liệu số phải được liên tục cập nhật, kịp thời hướng dẫn các đơn vị triển khai xây dựng theo quy định; đúng tiến độ, lộ trình từng bước cung cấp dữ liệu mở của chính quyền Thành phố để thúc đẩy phát triển chính quyền số, xây dựng TPTM.
Mục tiêu của Thành phố là sẽ hình thành 2-3 khu ĐTTM trên địa bàn trong giai đoạn từ năm 2025-2030. Dự kiến, Thành phố sẽ thử nghiệm triển khai một số dịch vụ ĐTTM tại một số quận, huyện, gắn liền phát triển dịch vụ ĐTTM với phát triển chính quyền số, bao gồm dịch vụ giao thông, đô thị, y tế, giáo dục, an toàn vệ sinh thực phẩm, việc làm, an sinh xã hội, nước sạch và dịch vụ cấp điện…
Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ tham gia đầy đủ các khóa đào tạo, bồi dưỡng do Sở TT&TT và các đơn vị khác tổ chức; đồng thời chủ động tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức, viên chức tại cơ quan đơn vị về CĐS, xây dựng TPTM theo nhu cầu.
Đồng thời, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn kỹ năng số, sử dụng các dịch vụ Chính quyền số. Vai trò của đoàn viên, thanh niên sẽ được đẩy mạnh và phát huy. Tổ công nghệ số cộng đồng triển khai hiệu quả hoạt động, phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện CĐS, phát triển kinh tế - xã hội.
Các địa phương được yêu cầu chủ động thí điểm triển khai sáng kiến mới về CĐS, xây dựng TPTM, đặc biệt là các sáng kiến liên quan đến dữ liệu số; cập nhật, chia sẻ bài học, kinh nghiệm CĐS của các cơ quan nhà nước; tham khảo danh sách các bài toán CĐS của các bộ, ngành, địa phương…
Sở TT&TT sẽ tổ chức sơ kết và tổng kết kế hoạch, bám sát các chỉ đạo của Trung ương về chuyển đối và xây dựng TPTM, kịp thời tham mưu, báo cáo UBND thành phố các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong quá trình triển khai; đặc biệt rà soát, đánh giá hiện trạng CĐS của Thành phố, kịp thời phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu UBND Thành phố định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo./.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Đang truy cập35
- Hôm nay3,003
- Tháng hiện tại34,846
- Tháng trước176,560
- Tổng lượt truy cập1,610,131