Những câu chuyện từ thực tế
Bà Bùi Thanh Hằng, Giám đốc công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam, DN sở hữu vườn hồng cổ có chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cho biết hiện tại công ty có được 4 vườn hoa hồng cổ và có 1 khu nhà xưởng sản xuất hơn 1000 m2 với đầy đủ trang thiết bị và sạch sẽ. "Tất cả những thứ đó nhờ nền tảng mạng xã hội Facebook duy nhất mà hiện tại tôi đang bán hàng trên đó", bà Hằng chia sẻ.
Đã dùng nhiều nền tảng số khác nhau để bán hàng, tuy nhiên, bà Hằng cho biết vẫn cảm thấy khi tập trung vào 1 nền tảng thì sự gắn kết với khách hàng, trải nghiệm, cảm xúc của khách hàng đối với thương hiệu vẫn tốt hơn. Việc phải chăm sóc và giao tiếp với khách hàng cũng tốt hơn.
Qua nền tảng số, bà Hằng cũng cho biết có thể đưa khách hàng cùng đồng hành từ lúc đặt cây hoa hồng xuống đất cho tới khi hái bông hoa mang vào xưởng sơ chế, đến xưởng sản xuất. "Tôi chia sẻ tất cả các công đoạn, các quá trình làm ra sản phẩm. Điều này vô cùng quan trọng khi đánh trực tiếp vào cảm xúc của khách hàng khi họ nhìn thấy quá trình trồng hồng vô cùng minh bạch và từ đó khách hàng dễ dàng ra quyết định mua sản phẩm".
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Dũng, sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty CP DH Foods, người đã có 30 năm ở Ba Lan, sau đó về Việt Nam khởi nghiệp cho biết: "Ban đầu tôi cũng không biết gì nhiều về các nền tảng số. Nhưng khi khởi nghiệp thiếu vốn, nhân sự và các nền tảng số cho tôi cơ hội. Đầu tiên là từ việc đăng ký viết hóa đơn điện tử. Hàng ngày chúng tôi giao hàng cho nhiều cửa hàng mà viết tay hóa đơn thì mất nhiều công sức. Nền tảng số giúp chúng tôi tiếp cận nhiều khách hàng, cải tiến công việc".
"Trên chặng đường phát triển DN sẽ rất nhiều khó khăn và phải tận dụng tối đa công nghệ vì công nghệ cho phép dùng nguồn lực tối ưu nhất có thể để làm được nhiều nhất có thể. Thành công là phải kiên trì, trung thực và tin tưởng vào con đường mình đi", ông Dũng chia sẻ thêm.
Những tiện ích thực tế từ các nền tảng số
Chia sẻ những tiện ích từ nền tảng số, bà Vân Lê, Tập đoàn Meta cho biết DN có thể tận dụng 3 công cụ chính từ Meta. Đầu tiên là công cụ tin nhắn.
Theo bà Vân Lê, đối với thị trường Việt Nam việc thương mại hội thoại hay bán hàng qua tin nhắn không còn còn xa lạ đối với người tiêu dùng. Cụ thể, thời gian qua, 70% người tiêu dùng đã rất quen với mua hàng qua tin nhắn. Theo đó, làm sao để nâng cấp trải nghiệm mua hàng qua tin nhắn?.
Điều này, bà Vân Lê cho biết, đòi hỏi DN phải tạo ra trải nghiệm, hành trình mua sắm hoàn hảo từ đầu đến cuối, có nghĩa là khi khách hàng ban đầu tìm đến DN thì DN phải có đại diện (agent) giúp khách hàng trả lời các câu hỏi đang có về sản phẩm, dịch vụ DN đang bán.
Tiếp theo là phải tương tác với khách hàng hiệu quả nhất với mặt hàng qua tin nhắn. Cuối cùng là chuyển đổi mua hàng làm sao có thể tích tích hợp tính năng hóa đơn và cho phép khách hàng theo dõi hóa đơn ngay trong tin nhắn. Trải nghiệm đầu tới cuối giúp khách hàng có trải nghiệm tốt nhất, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của DN.
Công cụ số thứ hai là video. Theo bà Vân Lê, có rất nhiều định dạng video (dài, ngắn, tích hợp với người nổi tiếng - KOL). Các DN nên đa dạng hóa cách sử dụng video, thay vì chỉ đơn giản sử dụng 1 video tự quay, có sẵn. DN hãy suy nghĩ rộng hơn để có nhiều video tương tác hai chiều với các khách hàng của mình như trên video, cho phép khách hàng vào bình chọn sản phẩm thích, kết hợp với KOL để tăng tương tác.
Công cụ thứ ba là metaverse và AI. Theo bà Vân Lê, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu đón nhận, khám phá công nghệ mới. Nhiều DN bắt đầu khám phá công cụ này. Các DN nên tích hợp công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng và có được bước đi xa hơn đối với khách hàng.
Cũng chia sẻ về kênh công cụ video, ông Phan Hoàng Ba, Giám đốc công ty TNHH Giải pháp công nghệ VikSolution cho biết hiện tại có một kênh khá phát triển, phù hợp với DN đó là kênh video bán hàng, các nền tảng như Tik Tok, You Tube shop… có thể giúp DN xây dựng video ngắn và đưa lên lên nền tảng. Chỉ cần 1 điện thoại, "diễn viên" chính là cán bộ của DN để truyền đạt thông điệp của sản phẩm, DN. Video mang lại sự tò mò cho cộng đồng nên cần xây dựng các video tương tác giữa người dùng và DN.
DN khai thác xu hướng TMĐT đang bùng nổ
Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam, tốc độ tăng trưởng TMĐT trong mấy năm vừa qua ở Việt Nam tương đối cao, đạt khoảng 20%/năm từ năm 2018 đến nay. Năm 2020, Việt Nam đạt khoảng 11,8 tỷ USD và năm 2021, đạt 13,6 tỷ USD doanh thu TMĐT.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT - Cục TMĐT và kinh tế số - Bộ Công thương cho biết: "TMĐT Việt Nam phát triển rất tốt trong hai năm qua, là công cụ "cứu cánh" cho DN Việt Nam do giãn cách và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới".
Cũng theo ông Thành, tốc độ phát triển TMĐT nội địa tương đối cao. Ngoài ra, tốc độ bán lẻ xuyên biên giới còn tăng trưởng tốt hơn. Cục TMĐT và kinh tế số được Bộ Công thương chỉ đạo phối hợp với Amazon đào tạo, tập huấn đưa sản phẩm lên Amazon.com. Năm 2021, số lượng DN tăng 15%, doanh số bán tăng 34%, đặc biệt năm 2021 đã bán 72 triệu sản phẩm từ các SME ra thị trường thế giới. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Cùng nhận định, ông Tuấn Hà, đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết thêm SME Việt Nam hiện nay rất năng động và ứng dụng các giải pháp TMĐT nhanh, trong top đầu châu Á. Để giúp DN nắm bắt nhanh công nghệ thì có 2 hướng đi.
Thứ nhất, các DN nên bám theo những ứng dụng công nghệ cung cấp trên các nền tảng của các "ông lớn" như Meta có Facebook, Tik Tok, Amazon, Lazada, Shopee, Zalo… vì các ông lớn này có dữ liệu khách hàng rất lớn. Khi khai thác khách hàng từ Google, Facebook, Tik Tok, các sàn TMĐT thì thấy rằng các công nghệ của các startup Việt Nam, hay thế giới thường cắm vào các nền tảng này như Facebook, Tik Tok, Lazada, Shopee. Thường các công nghệ hỗ trợ bán hàng tốt trên Facebook, Tik Tok, hay Google, Zalo… sẽ giúp tăng doanh số cho các DN.
"Các "ông lớn" đổ rất nhiều tiền để giúp các startup phát triển các ứng dụng bán hàng tốt hơn trên các nền tảng này, chứ họ không đi sâu vào các DN. Như Meta có Messenger gắn vào cổng các DN, mới tăng được doanh số cho DN", ông Hà cho hay.
Thứ hai, thông qua các chương trình đào tạo hay sự kiện diễn đàn TMĐT, DN SME nên tham dự để cập nhật xu hướng công nghệ cho DN.
Bà Vân Lê, Tập đoàn Meta cho biết thêm trong báo cáo gần đây nhất do Meta thực hiện khảo sát thì thấy rằng với tốc độ tăng trưởng hiện tại, ước tính đến năm 2027, Việt Nam có thị trường TMĐT có tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á với khoảng 28%, đạt doanh thu 40 tỷ USD. Có thể nói Việt Nam là thị trường tiềm năng và các DN nên tận dụng sự bùng nổ này để phát triển DN của mình
Năm 2023 - 2025, Việt Nam được dự báo tốc độ tăng trưởng nền kinh tế số sẽ đứng đầu khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng là 31%. Với tốc độ như vậy, ông Nguyễn Văn Thành có cơ hội cho SME để tận dụng xu hướng này. TMĐT đang rất phát triển, tốc độ tăng trưởng cao.
"Chúng tôi có hệ thống thu thập, khảo sát về bán lẻ trực tuyến của Cục, bán hàng trên Shoppee là nền tảng có thể nói có doanh số lớn nhất. Hà Nội có 1000 điểm bán lẻ trực tuyến trên Shopee, khoảng 125 - 130 tỷ đồng. TP. HCM ít hơn. Tổng số giá trị bán lẻ trực tuyến trên Shopee khoảng 330 - 350 tỷ đồng/ngày. Tính riêng Shopee 1 năm bán được hơn 6 tỷ USD", bà Vân Lê cho hay.
Bà Vân Lê cũng cho biết hiện tại các thương mại qua MXH rất lớn. Sau COVID người tiêu dùng đang ở giai đoạn mới, trải nghiệm mua sắm tích hợp, DN phải suy nghĩ tận dụng các nền tảng khác nhau để tiếp cận được khách hàng hiệu quả nhất, rồi đưa đến họ điểm cuối ở cửa hàng trên Facebook, hay Shoppee.
Như vậy, cũng theo bà Vân, để làm được điều đó thì phải cần hiểu hành trình mua sắm của khách hàng, điểm tiếp cận của khách hàng trên nền tảng nào, làm sao có thể tiếp cận họ với những thông điệp phù hợp nhất làm sao có thể tận dụng được những giải pháp tin nhắn, trao đổi khách hàng phù hợp nhất và đưa họ đến điểm cuối mua sắm. Đây là điểm mà DN cần tận dụng dữ liệu, hiểu biết nhóm khách hàng để mang lại trải nghiệm phù hợp nhất cho khách hàng.
"Đối với thị trường Việt Nam, người tiêu dùng cũng rất là cởi mở lựa chọn, thay đổi nên đòi hỏi DN cần có tiếp cận phù hợp và trân trọng tất cả cơ hội đối với khách hàng và xây dựng được đa kênh (omni chennel) để tiếp cận khách hàng, giữ chân họ gắn kết họ với những câu chuyện", bà Vân Lê cho hay./.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn