Môi trường cạnh tranh gay gắt ngày nay đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Trong đó, việc sử dụng chữ ký số (CKS) đóng vai trò quan trọng khi các tổ chức, DN giao tiếp trên môi trường điện tử.
CKS thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) DN
CKS dành cho các tổ chức, DN là chữ ký trên môi trường điện tử, có giá trị pháp lý như con dấu của tổ chức, DN. Hiện nay, CKS được coi như một công nghệ xác thực, đảm bảo an ninh, an toàn cho các hoạt động giao dịch qua Internet.
Theo Luật DN năm 2020 ghi nhận con dấu của DN được tồn tại dưới hai hình thức, bao gồm: con dấu của DN được làm ở cơ sở khắc dấu và dấu của DN dưới hình thức của CKS.
Thực tế, trong giai đoạn CĐS và hội nhập quốc tế, các DN đang dần chuyển từ sử dụng hợp đồng, chứng từ bằng giấy sang sử dụng hợp đồng, chứng từ điện tử. Theo Trung tâm Chứng thực Điện tử Quốc gia (NEAC), hiện nay, 100% DN đã sử dụng CKS, chủ yếu trong các dịch vụ như kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… Tính đến hết tháng 10/2023, tổng số chứng thư số công cộng đã cấp đạt 6.530.932 chứng thư số, tăng 18,32% so với cùng kỳ năm 2022 (là 5.519.548 chứng thư số).
Phạm vi ứng dụng của CKS rất rộng ở nhiều lĩnh vực cho phép các DN thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử một cách thuận tiện hơn, sau đây là một số lĩnh vực điển hình:
Xác nhận email, kiểm soát các giao dịch: CKS dùng để xác nhận email, kiểm soát các giao dịch trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như: ngân hàng điện tử, mua sắm điện tử của DN và quản lý bảo mật các thông tin khách hàng. Nhờ có CKS, việc mua hàng trực tuyến, chuyển tiền qua ngân hàng, giao dịch chứng khoán, thanh toán trực tuyến đều trở nên dễ dàng.
Kê khai: CKS cũng dùng để kê khai, nộp tờ khai, nộp thuế qua mạng, ký xuất hóa đơn điện tử, khai báo hải quan, thông quan trực tuyến… Nói cách khác, tất cả các giao dịch chứng từ bằng hình thức trực tuyến đều phải sử dụng qua CKS.
Ký kết hợp đồng: CKS còn được dùng để ký kết hợp đồng trực tuyến giữa các bên với nhau mà không bị ảnh hưởng bởi khoảng cách địa lý, tạo ra cơ hội phát triển cho các DN trong thời kỳ kinh tế mở. Với xu hướng toàn cầu hóa, việc ký kết hợp đồng từ xa bằng CKS trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết.
Trao đổi dữ liệu: CKS giúp trao đổi thông tin, dữ liệu giữa cá nhân và tổ chức, nhà nước một cách nhanh chóng. Không chỉ dễ dàng thực hiện các thủ tục trực tuyến, giao dịch điện tử mà còn đảm bảo về mặt pháp lý, tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí.
Thủ tục về đăng ký DN: DN có thể thực hiện các thủ tục về đăng ký DN như thay đổi đăng ký kinh doanh; thông báo thay đổi; thành lập chi nhánh; văn phòng đại diện; địa điểm kinh doanh… cũng có thể sử dụng CKS để ký trực tiếp trên văn bản, giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Việc ứng dụng CKS sẽ đem lại cho DN nhiều lợi ích hữu dụng và thiết thực. Thay vì phải mất thời gian, công sức đi lại để làm các thủ tục hay tốn kém chi phí in ấn thì giờ đây CKS có thể giải quyết tất cả những bất cập đó. DN có thể dễ dàng thực hiện ký tất cả các loại giấy tờ giao dịch, các loại hồ sơ, đối tác, các loại giấy tờ mà không cần có mặt tại văn phòng hoặc gặp gỡ đối tác trực tiếp. Bên cạnh đó, DN cũng giảm thiểu được chi phí cho việc in ấn, chuyển phát, quản lý và lưu trữ tài liệu theo cách truyền thống.
Bên cạnh đó, CKS sử dụng công nghệ mã hóa công nghệ cao giúp đảm bảo thông tin của người dùng không bị rò rỉ. Đồng thời đảm bảo thông tin của văn bản, hợp đồng đã ký khi chỉ có người nhận mới có thể mở văn bản, tài liệu có CKS.
Ngoài ra, CKS có giá trị pháp lý tương đương như chữ ký tay hay con dấu của DN. Chính vì vậy, CKS là bằng chứng cho các giao dịch điện tử, nội dung đã ký kết, các bên không có cơ sở phủ nhận chữ ký của mình khi đã thực hiện việc ký số. Việc sử dụng CKS như một bằng chứng xác thực giúp hạn chế các tranh chấp không đáng có giữa các bên.
Có thể thấy, CKS mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các tổ chức, DN khi tham gia các hoạt động, giao dịch, trên môi trường điện tử, là xu thế tất yếu để hướng tới CĐS, Chính phủ số trong tương lai.
Đẩy mạnh sử dụng CKS trong cải cách hành chính
Không chỉ là hữu ích trong việc CĐS của DN, dưới sự tác động của công nghệ số, việc CĐS, sử dụng CKS chuyên dùng cho Chính phủ phục vụ cải cách hành chính (CCHC) trong các cơ quan Đảng, nhà nước cũng là yêu cầu cấp thiết được đặt ra trong bối cảnh mới.
Việc CCHC và CĐS là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng với nhiều cơ hội và thách thức. Cùng với việc áp dụng hiệu quả công nghệ số thì tình hình mất an toàn an ninh thông tin ở nước ta diễn biến phức tạp.
Hệ thống mạng thông tin nước ta nằm trong nhóm các quốc gia phải đối mặt với nhiều mã độc nhất và thường xuyên bị tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, tính chất tinh vi. Đặc biệt, tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng gia tăng đáng báo động cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Từ đó gây hậu quả nặng nề, đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và đối ngoại của đất nước.
Trong thời gian qua, việc xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số được triển khai quyết liệt. Một số hệ thống rất lớn và quan trọng đã được Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ tập trung thiết lập, đưa vào vận hành. Trong các hệ thống này đều sử dụng dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp để đảm bảo xác thực, an toàn thông tin.
Việc áp dụng CKS được triển khai rộng rãi, công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện thể chế và CCHC được triển khai đồng bộ. Đến nay, đã có hơn 1.400 tài khoản, hơn 4.000 hồ sơ được xử lý và hơn 50.000 chứng thư số được cấp thông qua hệ thống thông tin trực tuyến.
Có 73,4% các bộ, ngành, địa phương ban hành cơ chế, chính sách về việc ứng dụng CKS chuyên dùng Chính phủ. Đặc biệt, có 48,3% cơ quan ban hành chế tài nhằm tăng cường sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ, một số địa phương đã thiết lập các biện pháp quyết liệt để thúc đẩy chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng.
Ban Cơ yếu Chính phủ đã đảm bảo cung cấp trên 600.000 chứng thư số cho các bộ, ngành, địa phương. Trong các cơ quan Đảng, đã cung cấp 100% chứng thư số cấp tỉnh, thành ủy; cung cấp hơn 4.400 chứng thư số cho cấp huyện và hơn 10.900 chứng thư số cho cấp xã.
Đến nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã triển khai hơn 60.000 thiết bị SIM PKI ký số và có 64/93 bộ, ngành, địa phương đã triển khai CKS trên thiết bị di động, mỗi ngày có hơn 8.000 lượt ký số trên di động được các cơ quan thực hiện. Tần suất trao đổi văn bản điện tử có CKS trong nội bộ cơ quan và với các cơ quan khác đạt tỷ lệ cao, từ 66,4% năm 2019 lên 90,9% năm 2021...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại trong công tác quản lý, triển khai dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng. Đó là cơ chế, chính sách khuyến khích và ngân sách đầu tư cho công tác triển khai ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ tại một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế.
Công tác huấn luyện, tập huấn có nơi đạt hiệu quả chưa cao, có trường hợp cán bộ, công chức được cấp CKS nhưng chưa được huấn luyện, hướng dẫn sử dụng. Công tác quản lý thiết bị lưu khóa bí mật có nơi chưa chặt chẽ. Công tác kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết và thi đua, khen thưởng trong hoạt động CĐS chưa được tiến hành thường xuyên. Cán bộ phụ trách công tác triển khai CKS chuyên dùng tại các cơ quan nhà nước các cấp còn mỏng, hoạt động kiêm nhiệm…
Trong thời gian tới, việc đẩy mạnh ứng dụng CKS trong công tác CCHC cần được tiếp tục đẩy mạnh vì mục tiêu phát triển CPĐT và hướng tới Chính phủ số./.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn