Thu hút người dân tham gia quản lý xã hội và hình thành nền kinh tế số cho ĐTTM/TPTM
Thu hút người dân tham gia quản lý xã hội và hình thành nền kinh tế số cho ĐTTM/TPTM
Việc xây dựng, gia tăng, phát triển các đô thị thông minh/thành phố thông minh (ĐTTM/TPTM) tại các thành phố lớn chính là một mục tiêu, tiêu chí đánh giá, ghi nhận cho sự sự tiến bộ, tăng trưởng, phát triển.
Vì điều này, những năm qua, được coi là một địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển nhiều mặt, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó có nội dung về nhiệm vụ nêu trên. Tuy nhiên, trong những những kết quả tích cực đó, liệu có còn những khó khăn, hạn chế gì cần tháo gỡ? giải pháp nào cho những nút thắt?...
Trả lời cho câu hỏi này, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về xây dựng, ông Đinh Quốc Thái, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã có những chia sẻ, đánh giá, đồng thời, nêu giải pháp đối với nội dung quan trọng này.
Chưa dự báo được những phức tạp trong quá trình tổ chức thực hiện
Theo ông Đinh Quốc Thái cho biết, trong công tác thực hiện nhiệm vụ này, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố triển khai theo những quy định tại Đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đơn vị cũng đã phối hợp tích cực cùng UBND các quận, huyện, thị xã triển khai nhiều quy hoạch chi tiết (theo phân cấp quy định của pháp luật hiện hành.
Bước đầu, kết quả thu được đáng mừng, nhiều khởi sắc và hầu hết các quy hoạch đều đảm bảo có tính chất quản lý khung, làm cơ sở để triển khai các quy hoạch chi tiết và lập các dự án đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, trong những kết quả tích cực đạt được, trong công tác này vẫn tồn tại nhiều hạn chế và khó khăn, đó là việc xây dựng kế hoạch, lập quy hoạch vẫn còn có những hạn chế, chưa dự báo được sự phức tạp trong quá trình tổ chức thực hiện. Hơn nữa, số lượng các đồ án quy hoạch, các đồ án cần sự rà soát và khớp nối nhiều
dự án, thông tin nhưng phải thực hiện trong thời gian ngắn.
Cùng với đó, việc xin ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan chưa nhận được sự đồng thuận, cần nhiều thời gian, công sức để báo cáo, giải trình và hoàn thiện; sự đồng thuận của cộng đồng đối với một số quy hoạch chưa cao, đặc biệt là các quy hoạch về vệ sinh môi trường, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, nhà tang lễ, nghĩa trang...
Hơn nữa, đội ngũ tư vấn có kinh nghiệm, năng lực lập các đồ án quy hoạch có quy mô lớn vẫn chưa nhiều; cơ chế, chính sách vẫn chưa phù hợp đối với các đồ án có yếu tố tư vấn nước ngoài và các đồ án sử dụng vốn tài trợ; các quy định hiện hành còn có những chồng chéo, vướng mắc, bất cập (Luật Quy hoạch đô thị với Luật Nhà ở; Luật Thủ đô với Luật Cư trú; tiêu chuẩn, quy chuẩn còn thiếu…).
Không chỉ nêu ra những khó khăn nêu trên, ông Đinh Quốc Thái cũng cho rằng, khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) thông minh và quản lý dữ liệu hiện nay của Hà Nội vẫn còn hạn chế, chủ yếu mới chỉ kiểm soát được số lượng, tình trạng các thủ tục hành chính (TTHC).
“Chưa liên thông được từ thành phố đến các sở, ngành, quận huyện; việc thống kê chi tiết, đối chiếu, so sánh lỹ kế, cùng kỳ... vẫn phải thực hiện thủ công làm mất nhiều thời gian thực hiện, thiếu chính xác, thống nhất giữa các kỳ báo cáo, các sở ngành, địa phương”, ông Đinh Quốc Thái nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đinh Quốc Thái, TP. Hà Nội chưa xây dựng được hệ thống quan trắc sự thay đổi, phát triển và biến động của khu vực đô thị và nông thôn, do đó, chưa cung cấp được dữ liệu tốt nhất cho công tác rà soát, đánh giá hiện trạng phát triển qua các năm sau khi thực hiện quy hoạch được duyệt làm cơ sở cho dự báo trong các đồ án điều chỉnh quy hoạch tiếp theo.
Đặc biệt, hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quản lý và lưu trữ đồ án quy hoạch và dự án được duyệt chưa được liên thông kết nối, hiện đang quản lý theo phân cấp đơn vị tổ chức lập, do đó gây khó khăn trong việc tổng hợp, rà soát, đánh giá, đồng bộ khi lập các đồ án mới, đồ án điều chỉnh có liên quan. Và chưa có phần mềm chính thống được xây dựng bài bản để người dân có thể tra cứu, tìm kiếm thông tin quy hoạch được duyệt.
Ứng dụng công nghệ thông minh quản lý quy hoạch xây dựng
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và đưa ra giải pháp phát triển nhiệm vụ này, ông Đinh Quốc Thái nêu đề xuất: Hà Nội cần áp dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông minh vào quản lý quy hoạch xây dựng.
Hà Nội cần đẩy mạnh tiến trình xây dựng TPTM chia thành 03 giai đoạn: Giai đoạn 1 hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của TPTM; Giai đoạn 2 (2021 - 2025) hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia quản lý xã hội và hình thành nền kinh tế số; giai đoạn 3 (từ sau năm 2025) sẽ phát triển TPTM ở mức độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức xoay quanh các trụ cột (Quản trị thông minh; kinh tế thông minh; di chuyển thông minh; môi trường thông minh; đời sống thông minh; cư dân thông minh).
Cùng với đó, Hà Nội cần đẩy mạnh giải pháp quản lý thông qua các cơ chế chính sách về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực kinh tế đầu tư phát triển cho hệ thống hạ tầng CNTT phục vụ cho công tác quản lý đô thị nói chung (theo định hướng chính quyền điện tử) và công tác quản lý quy hoạch xây dựng nói riêng.
Hà Nội cần thúc đẩy mạnh mẽ các ứng dụng cộng nghệ GIS và thường xuyên cập nhật tình hình hiện trạng phát triển của khu vực đô thị và các vùng nông thôn qua hệ thống ảnh vệ tinh, viễn thám... để quản lý được sự biến động từ đó giúp các nhà quản lý đánh giá được mức độ phát triển của hiện trạng với quy hoạch định hướng nhằm có sự điều chỉnh kịp thời trong các thời kỳ điều chỉnh quy hoạch không gian đô thị.
Cần xác định cụ thể và triển khai hiệu quả các CSDL thu thập; ứng dụng công nghệ phân tích đưa ra các chỉ số dự báo quy hoạch theo yêu cầu theo từng giai đoạn hoặc từng vùng, đối tượng khác nhau.
Cùng với đó, Hà Nội cần thiết lập hệ thống quét 3D khu vực phát triển đô thị định kỳ và cập nhật dữ liệu vào hệ thống thông tin dùng chung của các cơ quan quản lý và chia sẻ dịch vụ công để mọi người dân có thể xem thông tin và cùng cơ quan quản lý phát hiện những trường hợp xây sai qua hoạch, giấy phép xây dựng để góp phần quản lý phát triển đô thị đúng theo quy hoạch.
Đặc biệt, cần cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (có app ứng dụng trên máy tính và thiết bị di động thông minh) về khai thác thông tin quy hoạch xây dựng cho mọi người dân, các cơ quan, tổ chức,... trên toàn địa bàn TP. Hà Nội nhằm đảm bảo tính công khai quy hoạch đồng thời xây dựng CSDL mở tương tác giữa cộng đồng dân cư và nhà quản lý quy hoạch, đồng thời kịp thời nắm bắt được những nguyện vọng và phản ảnh của người dân đối với sự thực thi quy hoạch của các cấp chính quyền.
Nói sâu về các giải pháp quy hoạch lồng ghép ứng dụng công nghệ thông minh, theo ông Đinh Quốc Thái, đối với các khu vực đã phát triển đô thị: Cần sử dụng các dữ liệu biến động phát triển của đô thị và đề xuất bố trí các điểm, hành lang kỹ thuật cho việc tích hợp các thiết bị ứng dụng công nghệ (Hệ thống camera, hệ thống quan trắc môi trường, hệ thống thông tin thông báo tính trạng giao thông, hệ thống cung cấp các dịch vụ internet công cộng...).
“Với các khu vực phát triển mới cần tăng cường các giải pháp làm mát đô thị, các giải pháp ứng dụng năng lượng xanh và cung cấp các tiện ích phục vụ nhu cầu an sinh xã hội của người dân”, ông Đinh Quốc Thái đề xuất./.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Đang truy cập59
- Hôm nay3,044
- Tháng hiện tại34,887
- Tháng trước176,560
- Tổng lượt truy cập1,610,172