Lộ trình chuyển đổi số (CĐS) cần được đánh giá hiệu quả cũng như hiệu chỉnh định kỳ để đảm bảo phù hợp với sự thay đổi liên tục của nội tại doanh nghiệp (DN) cũng như thị trường.
Do đó, khi lồng ghép mục tiêu chuyển đổi xanh (CĐX), bất kể là trước, trong hay sau khi xây dựng lộ trình CĐS, DN vẫn có thể kế thừa hoặc kết hợp các mục tiêu.
Phần lớn DN Việt Nam vẫn đang chỉ xem CĐX là một thứ “nên có” thay vì “phải có”
Hướng tới các tiêu chuẩn ESG (Environmental, Social, Governance) đã trở thành yêu cầu với các DN trên toàn cầu, không thể tách rời khỏi chiến lược cốt lõi và hoạt động kinh doanh của DN. Công ty tư vấn CĐS FPT Digital đã thực hiện rất nhiều chuyên đề thảo luận và báo cáo về CĐX. Như DxReports với chủ đề “ESG và CĐS – Hướng đi tiên quyết trong hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp” của FPT Digital cho biết, các chính phủ đang đồng hành cùng các DN trên toàn cầu để thúc đẩy phát triển bền vững, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Tại “Hội nghị Đối tác thúc đẩy CĐS DN Việt Nam 2023” do Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) phối hợp với Tổ chức hợp tác Quốc tế Đức GIZ tổ chức ngày 4/10, các chuyên gia cũng cho rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh, DN sẽ không chỉ thực hiện CĐS mà còn phải CĐX, nghĩa là triển khai một chiến lược chuyển đổi kép.
“Chuyển đổi kép là xu hướng quốc tế tất yếu nhằm kết hợp CĐX và CĐS hướng tới phát triển bền vững”, ông Dennis Quennet, Giám đốc các dự án kinh tế phát triển bền vững, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ tại Việt Nam chia sẻ.
Xu hướng này cũng được dự báo tăng trưởng mạnh trong thập kỷ này. Theo Fortune Business Insights, thị trường công nghệ xanh và phát triển bền vững được dự báo đạt quy mô 61,92 tỷ USD vào năm 2030, với tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 20,8% trong giai đoạn 2023-2030. Trong đó, Mỹ là quốc gia có mức độ sẵn sàng CĐX cao nhất được đánh giá dựa trên 4 hạng mục: Công nghệ thông tin và viễn thông (CNTT-VT), công nghiệp, nghiên cứu và phát triển, và tài chính. Đặc biệt, cùng với CĐS, sự phát triển của các công nghệ xanh đang thúc đẩy các chính sách mới, nhấn mạnh vào mục tiêu giảm thiểu phát thải carbon.
Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động nhằm chống biến đổi khí hậu, như ký kết thỏa thuận về chuyển dịch năng lượng (JETP), tham gia vào Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP) đồng thời đưa ra các chính sách và hành động thúc đẩy CĐX.
Theo ông Lê Huy Hoàng, Phó Giám đốc tư vấn CĐS FPT Digital, các lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam như nông nghiệp, năng lượng truyền thống, công nghiệp nặng, vận chuyển và xây dựng đều có tác động rất lớn đến môi trường. Tuy vậy, ở phía DN, mặc dù nhận thức rõ xu hướng CĐX và sự chuyển đổi hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, song nhiều DN vẫn chưa sẵn sàng cho công cuộc này.
Các lãnh đạo DN ở Việt Nam hầu hết đều đã có nhận thức về CĐX nhưng đây chưa phải nội dung được quan tâm đầu tư nhiều bởi một trong những thách thức là cần phải cân bằng hoạt động chuyển đổi với hoạt động sản xuất kinh doanh. Các chính sách hiện hành cũng đang ở mức khuyến khích DN CĐX, chưa phải chế tài.
Các công cụ tính toán giá carbon trên thế giới cũng chưa thực sự ảnh hưởng đến DN xuất khẩu tại Việt Nam trừ cơ chế CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism) của Liên minh châu Âu (EU), vốn chỉ áp dụng hạn chế với các mặt hàng gồm xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydro. Do đó, với phần lớn lãnh đạo DN, CĐX vẫn chỉ là một thứ “nên có” thay vì “phải có”, ông Lê Huy Hoàng cho biết.
CĐS và CĐX là hai thành tố liên quan mật thiết giúp DN hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững
Theo Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại các DN tư nhân Việt Nam 2022/2023 của công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) phối hợp với Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) thực hiện, động lực chính thúc đẩy DN tư nhân trong việc thực hành ESG là nhu cầu khách hàng, áp lực cạnh tranh, mong đợi từ nhà đầu tư và thu hút nhân tài.
Khi hỏi về những yếu tố ngăn cản DN tư nhân cam kết ESG, 60% đề cập đến việc thiếu kiến thức. Tuy nhiên, việc nâng cao kỹ năng vẫn chưa là ưu tiên hàng đầu của các công ty khi hơn một nửa vẫn chưa quan tâm đến việc đào tạo về ESG. Liên quan đến các vấn đề ESG, đã đến lúc các DN tư nhân hành động để thay đổi - thay vì chỉ dừng lại ở ‘ý định tốt’ nhằm tạo ra một kế hoạch thực tế và đạt được kết quả hữu hình.
Theo DxReports, báo cáo về CĐS được phát hành hàng tháng của FPT Digital, ngành CNTT sẽ đóng góp 20% vào tất cả các hoạt động hướng tới CĐX. Công nghệ số sẽ đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững thêm 22%. Không những thế, Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) dự đoán công nghệ số sẽ giúp cắt giảm 20% lượng khí thải toàn cầu trước 2050.
Với kinh nghiệm tư vấn CĐS toàn diện cho nhiều DN lớn, ông Lê Huy Hoàng khẳng định CĐS sẽ hỗ trợ DN đưa ra các quyết định đầu tư bền vững, xây dựng và phát triển theo xu hướng xanh một cách bài bản với 4 động lực chính: Sức ép gia tăng và quy định của các bên liên quan; Cạnh tranh và đổi mới; Rủi ro và cơ hội từ CĐX; Chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị - vận hành.
Để bắt đầu con đường chuyển đổi kép, DN cần có định hướng rõ ràng về việc CĐX là mục tiêu phát triển lâu dài trong bước lập lộ trình CĐS. Lộ trình CĐS, được cấu thành bởi các sáng kiến số sẽ là những đòn bẩy thúc đẩy trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ CĐX.
Theo phương pháp luận FPT Digital Kaizen, lộ trình CĐS cần được đo đạc, đánh giá hiệu quả cũng như hiệu chỉnh định kỳ, thông thường là hàng năm, nhằm đảm bảo phù hợp với sự thay đổi liên tục của nội tại DN cũng như thị trường. Nếu DN bỏ qua bước xây dựng - hiệu chỉnh lộ trình bài bản mà bước ngay vào triển khai theo các xu hướng nhất thời sẽ khiến quá trình chuyển đổi trở nên thiếu hiệu quả, thậm chí lãng phí về tài chính cũng như cơ hội cạnh tranh.
Do đó, khi lồng ghép mục tiêu CĐX, bất kể là trước, trong hay sau khi xây dựng lộ trình CĐS, DN vẫn có thể kế thừa hoặc kết hợp với kết quả trước đó, đảm bảo bám sát các mục tiêu kinh doanh hiện tại và các mục tiêu về CĐX hay xa hơn là phát triển bền vững.
CĐS và CĐX là hai thành tố liên quan mật thiết giúp DN hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. CĐS có thể tác động tích cực đến nhiều khía cạnh trong CĐX của DN thông qua các yếu tố như quản trị - vận hành số, mô hình kinh doanh số, theo dõi phân tích tác động ESG, lấy trải nghiệm con người làm trọng tâm và phát triển hệ sinh thái số bền vững./.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn