Phải triển khai bằng được hệ sinh thái công dân số

Thứ sáu - 23/09/2022 03:50

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 276/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Tại Thông báo trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về 3 đột phá chiến lược, trong đó, việc thực hiện Đề án 06 phục vụ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số, cụ thể: (1) Phát triển hạ tầng chiến lược trong đó có hạ tầng công nghệ thông tin; (2) Xây dựng thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến chuyển đổi số; (3) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Với phương châm, mọi đổi mới, phát triển, cải cách đều phải hướng đến người dân, người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực cho sự phát triển.

anh tin bai

Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được phân công, đạt được kết quả bước đầu tích cực: Nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số quốc gia nói chung và thực hiện Đề án 06 nói riêng ngày càng đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn. Người dân, doanh nghiệp là người thụ hưởng dần nhận thấy những tiện ích do chuyển đổi số và kết quả của Đề án 06 mang lại. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp tăng cường công khai, minh bạch và phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.

Chuyển đổi số mang lại nhiều tiện ích phục vụ Nhân dân

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 06 được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, liên tục. Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ thường xuyên chỉ đạo triển khai Đề án, lãnh đạo các bộ, các ngành, nhất là Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tích cực chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, đã có gần 125 triệu hồ sơ được đồng bộ, xử lý trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; hoàn thành 21/25 dịch vụ công mức độ 3, 4. Nhiều dịch vụ công trực tuyến đáp ứng mong đợi của người dân, điển hình như việc đăng ký trực tuyến dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo;..

Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Bên cạnh tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí của người dân, chúng ta đã từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc, giảm nhũng nhiễu, tiêu cực, "tham nhũng vặt" theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Việc kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với CSDL các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh, từng bước hình thành CSDL lớn, hệ sinh thái công dân số, phục vụ quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 11 bộ, ngành, 14 địa phương; và 04 doanh nghiệp Nhà nước; CSDL hộ tịch điện tử đã cung cấp gần 7,6 triệu thông tin khai sinh và tiếp nhận số định danh cá nhân từ CSDL quốc gia về dân cư;...

Tạo lập những nền tảng, cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số. Bộ Công an hiện đã cấp trên 67 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước tích hợp thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, xác thực khách hàng cho phép thực hiện giao dịch tại ATM không cần thẻ ngân hàng... Đặc biệt, Hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức từ ngày 18/7/2022, bước đầu hình thành hệ sinh thái công dân số, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy thanh toán trực tuyến, giao dịch điện tử, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và nhiều tiện ích phục vụ Nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều bất cập, hạn chế cần sớm khắc phục như: Về chỉ đạo, điều hành, nhiều lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho triển khai Đề án 06 nói riêng và công tác chuyển đổi số quốc gia nói chung.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến vẫn còn hạn chế, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến chưa cao, còn dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức, chưa thực chất. Hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai còn dàn trải, tốn kém. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, CSDL còn nhiều hạn chế, bất cập…

Thủ tướng Chính phủ khẳng định việc triển khai Đề án 06 là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài. Nhằm phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, các bộ, ngành, địa phuơng cần liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phải xác định lộ trình phát triển CSDL quốc gia về dân cư từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, phục vụ người dân, doanh nghiệp và nâng cao năng lực quản lý của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp; nghiên cứu, phát triển CSDL quốc gia về dân cư bảo đảm giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý hành chính nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và bảo đảm phù hợp với lợi ích quốc gia, phục vụ những vấn đề lớn hơn, bao trùm hơn và tổng thể hơn.

Phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự tham gia và hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; phải triển khai bằng được hệ sinh thái công dân số để người dân, doanh nghiệp hiểu, sử dụng, làm giàu thông tin, là một bộ phận không thể tách rời đời sống kinh tế, xã hội của người dân.

Sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu hiệu quả; có tính kết nối, liên thông, chia sẻ cao phục vụ phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số, nâng cao vị thế quốc gia, ngang tầm khu vực, quốc tế.

Phát triển CSDL quốc gia thuận lợi, công khai, minh bạch

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát việc triển khai CSDL quốc gia về dân cư; thực hiện chủ trương "đúng, đủ, sạch, sống" về dữ liệu trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, cần kiên trì thực hiện; phát triển CSDL quốc gia về dân cư thời gian tới cần phải thể hiện được tính "thuận lợi, công khai, minh bạch, đồng thuận xã hội, bảo đảm được an ninh, an toàn cho người dân".

Tạo dựng và giữ vững niềm tin của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong thực hiện Đề án 06; các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực, quyết tâm, triển khai có hiệu quả để người dân, doanh nghiệp thấy được tiện ích, tiết kiệm, hiệu quả và bảo mật thông tin, từ đó đồng tình ủng hộ, hưởng ứng tham gia thực hiện.

Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, các bộ ngành, địa phương quán triệt tinh thần, quyết tâm, quyết liệt, kiên trì, chỉ đạo thực hiện Đề án quan trọng này từ Chính phủ đến cấp cơ sở để góp phần tạo đột phá trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia, với quan điểm "chuyển đổi số quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, việc cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó, không chung chung, dàn trải".

Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết tâm, quyết liệt, chỉ đạo triển khai Đề án; đồng thời quán triệt và tạo sự lan tỏa trong hệ thống chính trị nói chung, đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và phải có sự ủng hộ của Nhân dân.

Xác định rõ về mặt nhận thức, Đề án này là Đề án của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị. Bộ Công an với vai trò là cơ quan nòng cốt cùng với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện, phải khắc phục tư tưởng cục bộ, cát cứ thông tin, tất cả phải hướng đến lợi ích chung của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an sớm xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát và đánh giá việc triển khai CSDL quốc gia về dân cư, phục vụ đôn đốc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Về hoàn thiện thể chế, Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện báo cáo Thú tướng Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến triển khai định danh và xác thực điện tử cần phải sửa đổi, bổ sung của các bộ, ngành, địa phương; ưu tiên đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành.

Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký chứng thư số cho cá nhân áp dụng phương thức định danh và xác thực điện tử dựa trên dữ liệu dân cư.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan: Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công an xây dựng phần mềm dịch vụ công liên thông 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông tại Đề án 06.

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu đã được xác định trong Đề án và 29 dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ; chủ động rà soát các dịch vụ công tại cấp huyện và cấp xã để thống nhất tập trung giải quyết.

Làm sạch thông tin trên các lĩnh vực

Về ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, cơ quan liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các nền tảng, CSDL nêu trên và các CSDL chuyên ngành làm sạch thông tin trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông phục vụ chuyển đổi số, phòng chống tội phạm, nhất là đối với các hoạt động: thanh toán không dùng tiền mặt; xác minh thông tin nhận biết khách hàng; cấp tín dụng đối với khách hàng cá nhân; cho vay tín chấp; tích hợp các thông tin trên thẻ căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử để thay thế các loại giấy tờ công dân khác,..;

Bộ Công an hỗ trợ Bộ Y tế thiết lập hồ sơ sức khỏe trên sổ sức khoẻ điện tử và tích hợp thông tin sức khỏe cá nhân trên VnelD.

Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp triển khai, cấp chứng thư số theo nhu cầu cho cá nhân thông qua quy trình cấp thẻ căn cước công dân, định danh điện tử cho người dân…

Về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện các hệ thống thông tin, CSDL, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình Đề án; khẩn trương kết nối dữ liệu tổng hợp dân cư về Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phục vụ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội…

Nguồn tin: chuyendoiso.laocai.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Thống kê
  • Đang truy cập165
  • Hôm nay3,065
  • Tháng hiện tại119,727
  • Tháng trước1,740,996
  • Tổng lượt truy cập2,008,653
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây