Vật lý số trong sứ mệnh chuyển đổi số

Thứ ba - 13/02/2024 04:31
Vật lý số (Phygital) - thuật ngữ kết hợp giữa "physical" (vật lý) và "digital" (số), là công nghệ chuyển dịch thế giới thật lên không gian số và ngược lại, tích hợp yếu tố số vào môi trường vật lý, mang đến tương tác mới mẻ cho người dùng, đồng thời kiến tạo nên những giá trị mới trên không gian số.
Chuyển đổi số

Vật lý số trong sứ mệnh chuyển đổi số

Ngọc Anh 13/02/2024 09:15

Vật lý số (Phygital) - thuật ngữ kết hợp giữa "physical" (vật lý) và "digital" (số), là công nghệ chuyển dịch thế giới thật lên không gian số và ngược lại, tích hợp yếu tố số vào môi trường vật lý, mang đến tương tác mới mẻ cho người dùng, đồng thời kiến tạo nên những giá trị mới trên không gian số.

Đón đầu xu thế này, Phygital Labs kỳ vọng sẽ xây dựng hệ sinh thái Vật lý số rộng lớn tại Việt Nam và trở thành một mảnh ghép góp phần kiến tạo nền kinh tế số.

Lợi thế của bước đầu chuyển đổi số (CĐS)

Để làm được điều này, vật lý số cần có công nghệ định danh số để số hóa các sản phẩm vật lý, đồng thời nền tảng blockchain ứng dụng cho quản lý bảo mật và minh bạch dữ liệu. Tiếp đến, vật lý số kết hợp với các công nghệ AR/VR (thực tế ảo/ thực tế ảo tăng cường) để tạo ra những tương tác liền mạch.

Ví dụ, một sản phẩm trong cửa hàng có thể được gắn NFC (công nghệ truyền thông tin không dây cho phép trao đổi dữ liệu giữa các thiết bị trong khoảng cách ngắn), khi quét có thể hiển thị thông tin chi tiết, lịch sử sản phẩm hoặc các tùy chọn tương tác số. Điều này tạo nên trải nghiệm phygital, nơi thế giới vật lý và số hóa giao thoa và tương tác với nhau.

Riêng ở Việt Nam, Phygital Labs là công ty tiên phong thúc đẩy ứng dụng vật lý số bằng công nghệ lõi Nomion - Định danh số vạn vật. Công nghệ này là sản phẩm kết hợp sự phát triển đột phá của hai lĩnh vực là chip bán dẫn NFC và blockchain. Bằng việc tích hợp được các dòng chip NFC mã hóa này với các nền tảng blockchain, Nomion tạo ra một danh tính số duy nhất cho mỗi sản phẩm vật lý, đảm bảo tính minh bạch, độc bản của sản phẩm trên cả không gian thực và số. Từ đó có thể ứng dụng công nghệ LiDAR (Light Detection And Ranging - công nghệ quét và đo tia sáng hồng ngoại) và VR/AR (Thực tế ảo, thực tế tăng cường) để đưa các sản phẩm vật lý lên môi trường số, mang đến những trải nghiệm đa dạng và góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm.

cong-nghe-nomion.png

Thực tế, vật lý số đã được một số thương hiệu lớn trên thế giới ứng dụng để tạo ra trải nghiệm mua sắm tương tác, cải thiện dịch vụ khách hàng và tạo ra chiến dịch quảng cáo độc đáo. Khách hàng của Nike có thể thử giày ảo và xem sản phẩm trong môi trường thực tế tăng cường, Sephora sử dụng công nghệ AR trong ứng dụng của họ để cho phép khách hàng thử trang điểm ảo, giúp khách hàng có thể xem trước sản phẩm trên khuôn mặt của mình trước khi mua, cung cấp trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa và tương tác cao.

“Phygital (vật lý số) của ngày hôm nay cũng mới giống như blockchain của 5-7 năm trước. Các quỹ tại nước ngoài hay các chuyên gia tại Silicon Valley cũng nhận định rằng công nghệ vật lý số được áp dụng tại Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á là thích hợp nhất, bởi chúng ta còn đang ở bước đầu của chuyển đổi số, còn rất nhiều thứ có thể xây mới hoàn toàn”, ông Huy Nguyễn, CEO Phygital Labs chia sẻ.

ong-huy-nguyen.png

Nâng giá trị sản phẩm, di sản văn hóa Việt

Dù chỉ mới có mặt ở Việt Nam nhưng Phygital Labs đã nỗ lực đồng hành cùng nhiều đơn vị, đối tác, ban ngành như: Ký kết hợp tác với Trung tâm Thông tin UNESCO xây dựng dự án “Ứng dụng công nghệ để bảo tồn và phát triển di sản, văn hóa Việt”, thúc đẩy chuyển đổi số với cùng Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng để định danh số các tác phẩm điêu khắc của Làng nghề đá Non Nước, đồng hành cùng Bảo tàng di tích Cố đô Huế, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cùng Báo Nhân Dân gắn chip, định danh sản phẩm OCOP, thí điểm là thương hiệu Gốm Đức Tân...

ky-ket-phygital-labs.png
Ký kết cùng Sở TT&TT TP. Đà Nẵng và Hội Tin học Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, sứ mệnh của Phygital Labs là dùng công nghệ tiên phong lan tỏa được văn hóa, sản phẩm của Việt Nam và kể một cách tự hào về chất lượng sản phẩm, tinh hoa làng nghề và tài năng của những người nghệ nhân Việt ra toàn cầu”, ông Huy Nguyễn cho biết thêm.

Xét ở góc độ kinh tế số, những sản phẩm văn hóa như sản phẩm thủ công truyền thống, kiến trúc, di sản văn hóa không chỉ là hiện vật mà còn là tài sản sở hữu trí tuệ quý giá cần được bảo vệ, tương tự như các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật âm nhạc, phim ảnh. Thực tế, nhu cầu của khách du lịch về việc sở hữu những món đồ phiên bản (replica) được chứng thực bởi đơn vị sở hữu của sản phẩm gốc (F0) cực kỳ lớn, cho dù giá của những đồ phiên bản đó (F1, F2) có thể cao hơn rất nhiều so với những món đồ lưu niệm không có chứng thực tràn lan trên thị trường, đặc biệt là với những địa danh hoặc sản phẩm có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật to lớn.

trai-nghiem-bao-tang-da-non-nuoc.png
Trải nghiệm bảo tàng Đá Non Nước trên không gian số.

Do đó, việc định danh độc bản cho các địa danh (di tích) cùng các tài sản (di sản) gốc giúp khai mở một thị trường mới cho phép kinh doanh các phiên bản được chứng thực bởi tài sản gốc. Đơn cử, mỗi phiên bản đồ lưu niệm sẽ được chứng thực từ tác phẩm gốc (F1) và trả một khoản phí bản quyền (IP) cho nghệ nhân, phiên bản đồ lưu niệm có chứng thực (F1) sẽ được giao dịch với giá cao hơn so với các đồ không có nguồn gốc.

Theo báo cáo “State of Phygital 2022” của Leta Capital, dù phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ qua nhưng nền kinh tế kỹ thuật số vẫn chiếm chưa đến 6% tổng nền kinh tế toàn cầu, phần lớn thị phần còn lại vẫn thuộc về thế giới vật lý. “Ước tính với sự đóng góp của phygital trong vòng 15 đến 25 năm tới, kinh tế kỹ thuật số sẽ đóng góp 50% GDP toàn cầu với quy mô từ 100 đến 200 nghìn tỷ USD”.

Tiếp đó, báo cáo “State of Phygital 2023” dự báo rằng, Apple sẽ bán được 400.000 thiết bị thực tế ảo tăng cường (AR - công nghệ tạo ra những hình ảnh kỹ thuật số có khả năng hiển thị trong thế giới thực) Apple Vision Pro vào năm 2024 - hứa hẹn tiềm năng phát triển mạnh mẽ của vật lý số trong tương lai.

Có thể ví dụ trong dự án với Le J’, Phygital Labs đã góp phần giúp tăng 50% giá trị sản phẩm cho thương hiệu cà phê đặc sản Le J’. Ở thời điểm chưa gắn chip, giá mỗi túi cà phê đặc sản là 800.000 đồng/gói/200g. Sau khi gắn chip và tiến hành định danh, câu chuyện độc đáo về nông trại có diện tích trên 10ha canh tác cà phê với các giống Catimor, TH1, THA1, Yellow Catuai cho thị trường trong nước và quốc tế với tiêu chuẩn đặc biệt nhanh chóng được lan tỏa trên toàn cầu. Ngay sau đó, giá trị sản phẩm của thương hiệu cà phêLeJ’ đã tăng lên và được bán ra với giá 1,2 triệu đồng /gói/200g.

cafe-dinh-danh-so.png
Cà phê đặc sản Việt Nam được định danh số nhờ công nghệ Nomion.

Từ những minh chứng trên cũng như các dự án khác mà Phygital Labs đang triển khai, kỳ vọng vật lý số đang và sẽ tác động đến các lĩnh vực như giáo dục, y tế, bán lẻ, thương mại điện tử. Theo ông Huy Nguyễn, phải có nhiều sản phẩm của Việt Nam trên không gian vật lý số thì mới có thể đưa câu chuyện về Việt Nam đi xa. Hiện công ty này đang tập trung xây dựng nền tảng, phát huy tính ứng dụng của công nghệ mới tại thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực và kỳ vọng trong thờCi gian đến sẽ tạo ra nhiều giá trị mới, thể hiện vai trò của vật lý số trong sứ mệnh CĐS.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1+2, tháng 1/2024)

Nguồn tin: ictvietnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Thống kê
  • Đang truy cập50
  • Hôm nay5,248
  • Tháng hiện tại118,622
  • Tháng trước1,740,996
  • Tổng lượt truy cập2,007,548
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây