Tổng kết hoạt động năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Chính phủ với 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các đồng chí Thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các đồng chí Thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty: Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Bưu điện Việt Nam, Tập đoàn FPT, Viễn thông MobiFone….
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; các thành viên, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh và các đơn vị có liên quan… Hội nghị được kết nối từ điểm cầu tỉnh đến điểm cầu các huyện, thành phố trong tỉnh.
Tại Hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo kết quả triển khai chuyển đổi số quốc gia năm 2023, định hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 và Hướng dẫn phổ cập hạ tầng số, chữ ký số và hợp đồng điện tử. Theo đó, thứ hạng của Việt Nam về chuyển đổi số tăng đáng kể. Theo tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022. Chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam từ 2020 đến 2022 tăng 48%, năm 2023, chỉ số này dự báo đạt 0,75. Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp. Năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, các cơ quan Nhà nước đã đưa vào vận hành, khai thác 7 cơ sở dữ liệu quốc gia.
Về việc xóa các điểm lõm sóng, trong giai đoạn 2021-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã điều phối các doanh nghiệp viễn thông phủ sóng di động tại 2.433/2.853 vùng lõm sóng. Tốc độ mạng của Việt Nam năm 2023 tăng từ 15 - 30% so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực cũng đạt được kết quả ấn tượng, trong đó du lịch trực tuyến tăng 82%, thanh toán số tăng 19%, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số tại khu vực Đông Nam Á. Cũng trong năm 2023, Việt Nam có hơn 1,5 nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022.
Đặc biệt năm 2022 và 2023, Việt Nam liên tiếp nằm trong nhóm 10 nước dẫn đầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động. Số lượng người dùng trên các nền tảng số Việt Nam năm 2023 tăng trưởng 46% so với năm 2022. 3 ứng dụng của cơ quan Nhà nước thu hút được số lượng người dùng lớn ở Việt Nam là VNeID của Bộ Công an, VssID của Bảo hiểm Xã hội và Thanh niên Việt Nam của Trung ương Đoàn, với tổng người dùng của cả 3 ứng dụng vào khoảng 65 triệu người.
Đến hết năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính liên quan đến công dân. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu mang lại kết quả cụ thể, giải quyết được các bài toán liên ngành mà trước đây rất khó triệt để...
Thảo luận tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến về phổ cập danh tính số, các ứng dụng thanh toán số, hóa đơn điện tử, phát triển hạ tầng viễn thông, nền tảng số, sáng tạo ứng dụng số, thiết lập trung tâm dữ liệu theo mô hình điện toán đám mây, chia sẻ về giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2023. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Văn phòng chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội nghị; Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch chuyển đổi số năm 2024. Việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi số phải rõ người, rõ việc. Các mục tiêu, chỉ tiêu phải định lượng được, dễ triển khai, dễ kiểm tra giám sát, dễ đánh giá. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, đôn đốc, nghiêm khắc phê bình những cá nhân, đơn vị chưa hoàn thành theo đúng kế hoạch. Đối với các bộ, ngành, địa phương tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm phục vụ hoạch định chính sách; đẩy mạnh xây dựng, cập nhật liên thông dữ liệu. Giao Bộ Công an xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, hoàn thành trong năm 2024; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng dữ liệu công dân qua khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm đúng mục đích, chống lộ lọt dữ liệu. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các văn bản liên quan đến công nghệ số, quản lý công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; quy định chi tiết Luật giao dịch điện tử về chữ ký số, Luật viễn thông sửa đổi, vi mạch, bán dẫn; xây dựng cơ chế kiểm tra giám sát đo lường hoạt động của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia...
Tác giả: chuyendoiso, Thu Hoài
Nguồn tin: laichau.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Đang truy cập146
- Hôm nay4,329
- Tháng hiện tại36,172
- Tháng trước176,560
- Tổng lượt truy cập1,611,457