Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển và sự gia tăng của thương mại điện tử, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Số hóa chứng từ thuộc hồ sơ hải quan tiến tới phi giấy tờ
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển và sự gia tăng của thương mại điện tử, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành các giải pháp để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, tiếp tục nâng cao hiệu quả và sự minh bạch trong công tác hải quan và quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên dự báo thời gian tới tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; ở trong nước hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu, tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin theo hướng số hóa chứng từ thuộc hồ sơ hải quan tiến tới phi giấy tờ trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, dần tiến đến chấm dứt việc yêu cầu người khai hải quan phải nộp chứng từ giấy thuộc bộ hồ sơ hải quan khi làm thủ tục hải quan.
Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cấp phép, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc và kiến nghị các Bộ quản lý chuyên ngành và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu với cơ quan hải quan để phục vụ thông quan hàng hóa.
Bảo đảm trang thiết bị phục vụ công tác hiện đại hóa ngành hải quan
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan bảo đảm trang thiết bị phục vụ công tác hiện đại hóa ngành hải quan, công tác kiểm tra giám sát, kiểm soát hải quan tại các khu vực cửa khẩu, cảng biển, hạn chế sự tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan hải quan bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường các hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đối tác thương mại chiến lược, có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào các quốc gia này và ngược lại.
Chấn chỉnh, xử lý đơn vị, công chức hải quan có hành vi vi phạm pháp luật, gây phiền hà, sách nhiễu
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan thường xuyên tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan hải quan các cấp; kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý đối với đơn vị, công chức hải quan có hành vi vi phạm pháp luật, gây phiền hà, sách nhiễu, không kịp thời giải quyết, để vướng mắc kéo dài mà không đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, cấp phép đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế trong năm 2024: áp dụng triệt để nguyên tắc quản lý rủi ro, thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra; giảm tỷ lệ các lô hàng phải lấy mẫu để phân tích, kiểm tra; thống nhất nguyên tắc một mặt hàng chỉ do một đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra.
Nhanh chóng số hoá thủ tục xuất nhập khẩu qua biên giới
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Bộ Công an triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và nhanh chóng số hoá thủ tục xuất nhập khẩu qua biên giới, xây dựng cửa khẩu thông minh nhằm giảm thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới xây dựng quy hoạch tổng thể khu vực cửa khẩu biên giới đất liền trên cơ sở các Quyết định quy hoạch cửa khẩu trên các tuyến biên giới đất liền Việt Nam với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện bố trí các khu vực nhà kiểm soát liên hợp, địa điểm làm việc cho các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu tạo điều kiện hiện đại hóa công tác quản lý chuyên ngành và các hoạt động thương mại, logistics tại cửa khẩu; không để xảy ra tình trạng ùn tắc hàng hóa, phương tiện, gây mất trật tự an toàn, an ninh trên địa bàn.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 để chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật; đặc biệt là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, bảo đảm an toàn trật tự xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia; kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cập nhật ngày 18/4/2024